Cần tiếp tục 'gia cố' thêm quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế để giải tỏa những vướng mắc, bất cập

Cần tiếp tục 'gia cố' thêm quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế để giải tỏa những vướng mắc, bất cập
3 giờ trướcBài gốc
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm ý tế
Thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang), các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời, khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay;…
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cho ý kiến vào nhiều điều khoản cụ thể liên quan tới quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, góp ý vào quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; trách nhiệm của các cơ quan về bảo hiểm y tế;..
Về mức đóng bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên được quy định tại Khoản 3, Điều 4 và Điểm c Khoản 1, Điều 8 của Nghị định 146 là 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% và người tham gia đóng 70%.
"Mức đóng này được đánh giá là vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng và chưa có sự thống nhất cao trong việc tham gia chính sách này…", đại biểu lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, có thể bằng với mức đóng của người thứ tư hoặc người thứ ba theo hình thức hộ gia đình, để đảm bảo phù hợp với thu nhập hiện tại và tạo sự thống nhất cao hơn trong việc tham gia BHYT.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, nghiên cứu tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT từ 30% lên tối thiểu 50%. Đồng thời, đại biểu đề xuất Chính phủ quy định cụ thể nội dung giám định Bảo hiểm y tế; cho phép thanh toán Bảo hiểm y tế đối với hoạt động áp dụng theo phác đồ điều trị của các hiệp hội, tổ chức y tế;…
Quan tâm tới cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay các đa số cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tự chủ tài chính, nguồn thu của đơn vị (80%) phụ thuộc vào việc thanh quyết toán của cơ quan BHXH để trả lương thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, trả tiền thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm cho công ty cung cấp… Trên thực tiễn còn nhiều bất cập chưa có thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa trong thanh toán chi phí đã sử dụng cho người bệnh, nợ đọng kéo dài gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị, tại dự thảo Luật cần có quy định bên thứ ba vào quá trình hòa giải để giải quyết những vấn đề chưa thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cơ sở KCB ( trả lương, thuốc, vật tư, đào tạo,…) và quyền lợi của người có BHYT. Không nên đưa ra tòa vì sẽ kéo dài giải quyết tranh chấp.
Cần tiếp tục rà soát các quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế
Góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đa số đại biểu tại Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật; về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 04 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, quy định của luật hiện hành quy định về vận chuyển người bệnh đối với một số đối tượng, như vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, nhưng có khó khăn khi chuyển từ tuyến tỉnh về tuyến huyện.
Đại biểu đánh giá cao dự thảo luật đã mở rộng thêm đối tượng được hưởng, mở rộng việc luân chuyển giữa các cấp chữa bệnh. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi được hưởng đối với dịch vụ cấp cứu trước viện để người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi này.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng điều trị cho người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế; bổ sung quyền lợi bảo hiểm y tế trong hoạt động khám sàng lọc một số bệnh…
Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế. Một trong những điểm mới là dự thảo luật đã quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế, nhưng các quy định thông tuyến mới còn chung chung, cần tiếp tục "gia cố" thêm để giải tỏa những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu
Ngoài gặp khó trong quy định thông tuyến, cử tri cũng phản ánh các thủ tục chuyển tuyến và thủ tục thay đổi nơi đăng ký bảo hiểm cũng chưa thuận lợi, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Có ý kiến đề bổ sung đối tượng "Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Bởi, hiện nay Luật Bảo hiểm Y tế quy định đối tượng Cựu thanh niên xung phong (TNXP) trước năm 1975 và cựu TNXP sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và Lào được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, đối với cựu TNXP sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn chưa được ngân sách nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị Nhà nước quan tâm đưa nhóm đối tượng này vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế./.
Xuân Trường - Thế Công
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/can-tiep-tuc-gia-co-them-quy-dinh-ve-thong-tuyen-bao-hiem-y-te-de-giai-toa-nhung-vuong-mac-bat-cap-20241024194247572.htm