Không nên coi bảo hiểm y tế là 'barie chống quá tải' bệnh viện tuyến trên

Không nên coi bảo hiểm y tế là 'barie chống quá tải' bệnh viện tuyến trên
2 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ vỡ quỹ BHYT nếu vận hành như cũ
Chiều 24/10, Quốc hội họp tại tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Từng là bác sĩ nhiều năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, hơn 15 năm nay, từ khi có Luật BHYT, BHYT đã làm được rất nhiều việc. Trong đó có 2 việc rất quan trọng đó là đóng góp trong khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Hà Nội.
"Một bệnh nhân của tôi từng chia sẻ, sau khi phát hiện bệnh, nhẩm tính chi phí điều trị thì "căn nhà 5 tầng rung rinh", nhưng nhờ có BHYT mà nhân dân nói chung, nhất là bệnh nhân nghèo mới chữa bệnh được", đại biểu Trí nói.
Thứ hai, BHYT cho người dân thấy được phải có BHYT thì mới yên tâm. Trước kia thường xuyên xảy ra tình trạng trốn, không mua BHYT, nhưng nay đã dần dần ít đi. Đây là nền tảng để sửa luật lần này.
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, Luật BHYT phát sinh rất nhiều bất cập, cần sửa đổi, thông qua trong 1 kỳ.
Bất cập thứ nhất là nguy cơ vỡ quỹ, nếu cứ vận hành như cách của luật cũ. "Với cách thanh toán kiểu đóng vào có hạn nhưng chi trả vô hạn thì không vỡ quỹ mới lạ", ông Trí nói.
Chia sẻ về bất cập chuyển tuyến, theo ông Trí dù có thay đổi nhưng còn nhiều vấn đề.
"BHYT đã sử dụng trong nhiều năm nay như một "barie chống quá tải" ở tuyến trên nhưng với tư cách là người làm việc trong ngành y tế, tôi phản đối điều này vì hiệu quả đạt được không cao. Hậu quả để lại là không nhỏ và quan trọng nhất là bất bình đẳng trong thụ hưởng BHYT", ông Trí nhấn mạnh.
Ông nêu ví dụ có bệnh viện tuyến xã, kê đơn thuốc khoảng 100 nghìn nhưng ở tuyến trung ương, nếu phát hiện bệnh thì đơn thuốc không giới hạn có thể lên tới 30 triệu, ông Trí nói và cho rằng đó là điều bất bình đẳng.
Do đó, đại biểu Trí cho rằng, không nên coi đây là biện pháp chống quá tải mà phải chống quá tải bằng tổ chức lại hệ thống y tế để nếu có bệnh thì người dân đến với cơ sở khám chữa nhanh nhất, đầy đủ nhất, tốt nhất có thể, có thầy giỏi, thuốc tốt; công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng; kỹ thuật sử dụng, mức được thanh toán.
Lo ngại bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện chuyên sâu sẽ vỡ trận
Cùng góp ý về vấn đề thông tuyến BHYT, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hoàn toàn đồng ý với việc thông tuyến toàn quốc, không giới hạn địa bàn tham gia BHYT, người có thẻ BHYT có thể khám bệnh ở cơ sở y tế ban đầu (cấp cơ bản) ở bất kì đâu trong đất nước, không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định.
Về việc đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong BHYT, theo ý kiến cá nhân và nhiều giám đốc bệnh viện, ông Thức cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến khi khám ban đầu ở cấp cơ sở. Nhưng khi chuyển từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu thì phải luôn cần có giấy chuyển tuyến.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo ông Thức, nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ xảy ra tình trạng bệnh nhân sẽ ồ ạt lên bệnh viện tuyến chuyên sâu để khám, chữa bệnh mà không ở tuyến cơ sở, ban đầu.
"Người bệnh có tham gia BHYT ở khắp nơi cứ dồn lên Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế… nếu vậy, chỉ cần 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở vì không có bệnh nhân và không có kinh phí để trang trải. Điều này sẽ đi ngược với chủ trương là phát triển hệ thống y tế cơ sở", ông Thức nói.
Cùng với đó, các nhà quản lý bệnh viện rất quan tâm. Ví dụ, với một ca mổ hạng đặc biệt (kéo dài 6-8 giờ), mỗi ngày bệnh viện chỉ cho mổ một ca, chứ không cho mổ ca thứ hai.
Nếu bác sĩ mổ ca thứ hai, nguy cơ tai biến cho bệnh nhân mổ là rất cao vì quá sức.
"Giờ nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, thì với áp lực bệnh nhân như vậy thì bác sĩ sẽ phải mổ nhiều hơn 1 ca, sẽ có rất nhiều rủi ro. Hoặc bây giờ một bác sĩ khám 20 bệnh nhân/ngày, nếu bỏ chuyển tuyến, có thể tới 200 bệnh nhân chờ, thì không có bác sĩ nào kham nổi. Sẽ vỡ trận", ông Nguyễn Tri Thức nêu quan điểm.
Vì vậy, ông Thức đề nghị sửa đổi khoản 3 điều 27 và khoản 3, điều 28 dự thảo Luật.
Theo đó, khi người bệnh chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh này đến cơ sở khám chữa bệnh khác để khám chữa bệnh thì luôn luôn cần phải có giấy chuyển tuyến.
Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh tóm tắt thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân: Bị bệnh gì, dùng thuốc gì. Do đó giấy này rất quan trọng với bác sĩ ở tuyến chuyên sâu. Đây là yêu cầu gần như bắt buộc về chuyên môn và có lợi cho bệnh nhân.
Người bệnh không có nghiệp vụ cũng như kiến thức sâu về y khoa nên không thể chuyển tải thông tin đầy đủ đến cho những bác sĩ khám sau đó. Việc này cũng nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về y tế, về BHYT.
Đề xuất điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế
Ghi nhận các ý kiến, đóng góp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này nhằm rà soát những vướng mắc tồn tại trong việc thực hiện chính sách BHYT với mục tiêu cao nhất là làm thế nào thuận tiện nhất cho người tham gia BHYT, tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân một cách đầy đủ, kịp thời.
Theo bà Lan, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh kịp thời thì cần phải có sự đầu tư đúng mức để bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến cơ sở cũng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện được các nhiệm vụ khám chữa bệnh, tránh để người dân phải di chuyển từ địa phương lên trung ương để khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả các biện pháp như chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ về tuyến dưới khó khăn, các chính sách khám chữa bệnh từ xa…
Ngoài ra, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng tập trung cho cơ sở y tế tuyến cơ sở nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết.
Về việc điều chuyển thuốc, việc đảm bảo thuốc chữa bệnh, vật tư y tế cho người dân là yêu cầu đối với các cơ sở y tế.
Bà Lan khẳng định thực tiễn, tất cả các gói thầu chúng ta tham gia đều có thể mua được ngay. Chẳng hạn, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang báo cáo mua được 95%, còn 5% thuốc không thể mua được.
Để giải quyết tình huống bất khả kháng không mua được thuốc cho người dân, thời điểm này, Bộ Y tế đề xuất 2 cơ chế: Thứ nhất, ngoài tháo gỡ cơ chế đấu thầu mua sắm, đưa thêm điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế.
Chẳng hạn, quý trước bệnh viện A mua được, bây giờ bệnh viện B cần thì có thể điều chuyển giữa các bệnh viện với nhau và được thanh toán theo BHYT cho người dân, để người dân không phải ra ngoài mua thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Điều chuyển thuốc là một nội dung mới, là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề thiếu thuốc.
Thứ hai, nếu điều chuyển thuốc không có, người dân phải ra ngoài mua thuốc thì có cơ chế thanh toán.
"Nói thực sự, bác sĩ không mong muốn người dân ra ngoài mua thuốc, mua ngoài vì liên quan đến chất lượng, chất lượng điều trị. Việc điều chuyển thuốc là một nội dung mới và nếu làm được như vậy là giải pháp vấn đề thiếu thuốc", Bộ trưởng nói.
Trang Trần
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/khong-nen-coi-bao-hiem-y-te-la-barie-chong-qua-tai-benh-vien-tuyen-tren-192241024173736954.htm