Thứ trưởng Bộ Y tế: Bỏ giấy chuyển tuyến bệnh viện ở Trung ương sẽ 'vỡ trận'

Thứ trưởng Bộ Y tế: Bỏ giấy chuyển tuyến bệnh viện ở Trung ương sẽ 'vỡ trận'
3 giờ trướcBài gốc
Lo ngại bệnh nhân ùn ùn đổ lên tuyến trên
Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Tham gia nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (đoàn Tp.HCM) - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước đây bệnh viện chia làm 4 tuyến là xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Luật mới quy định 3 cấp: cấp ban đầu (tạm hiểu là trạm y tế xã), cấp cơ bản (bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh), cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương, đa khoa chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ dịch vụ kỹ thuật được công nhận).
Theo Thứ trưởng, hiện đang có hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT. Đó là chủ trương rất tốt, rất đúng.
"Trước đây, nếu đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội thì chỉ được khám ở Hà Nội, giả sử mắc bệnh ở Thanh Hóa mà khám ở Hà Nội là xem như trái tuyến. Điều này rất bất hợp lý, không bảo đảm quyền lợi cho người bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức.
Về ý kiến của một số ĐBQH đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT, ông Nguyễn Tri Thức cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
"Mình cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng lên bệnh viện tuyến chuyên sâu như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…", ông Thức cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu làm như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, Covid-19 đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng.
"Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm", ông Thức nói và khẳng định giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.
Theo ông Nguyễn Tri Thức, bỏ giấy chuyển tuyến cũng ảnh hưởng đến các bác sĩ giỏi ở Trung ương. Mỗi ngày các bác sĩ chỉ có thể mổ một ca đặc biệt, kéo dài 6-8 tiếng. Các bệnh viện thường khống chế, không cho mổ ca thứ hai vì nguy cơ tai biến cao.
Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, với áp lực bệnh nhân như vậy thì một bác sĩ không thể mổ 1 ngày/ca được. Các ca phẫu thuật loại 1, 2,3 cũng vậy.
"Trước đây, một bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. Lúc đó sẽ vỡ trận. Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy", ông Thức nói.
Nhiều vấn đề cần giải quyết để thông tuyến BHYT
Trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng qua quá trình tiếp xúc cử tri cũng nhận được nhiều ý kiến về việc làm thế nào để vấn đề thông tuyến bảo hiểm y tế, được đảm bảo nhanh nhất cho người bệnh. Để thông tuyến BHYT còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Bà Nga chỉ ra, nếu thực hiện thông tuyến, người dân được tự di chuyển lên tuyến trên sẽ dẫn tới bệnh viện tuyến trên quá tải nặng, bệnh viện tuyến dưới lại rất ít bệnh nhân vì người bệnh thường có suy nghĩ tuyến trên chắc chắn tốt hơn tuyến dưới.
Vì vậy, nếu có điều kiện họ sẽ lên thẳng tuyến trên. Bên cạnh đó, quá trình thanh toán khám chữa bệnh, khi phân bổ kinh phí sẽ gặp khó khăn.
Nếu thực hiện thông tuyến, người dân được tự di chuyển lên tuyến trên sẽ dẫn tới bệnh viện tuyến trên quá tải nặng, bệnh viện tuyến dưới lại rất ít bệnh nhân.
Nếu bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới ít bệnh nhân sẽ dẫn đến tình trạng tuyến dưới rất khó phát triển. Đặc biệt, có những bệnh hiểm nghèo, những bệnh phải chuyển tuyến gấp.
"Nhưng, nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục chuyển tuyến như hiện nay thì người bệnh sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, nhất là những bệnh phải chạy đua với thời gian", bà Nga nhấn mạnh.
Trong dự thảo Luật đã sửa đổi điều này, người dân được quyền thông tuyến khi có một số bệnh như bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… Tuy nhiên, theo đại biểu để thực hiện điều này, Bộ Y tế phải có quy định một cách rất chi tiết, hợp lý những danh mục các bệnh được thông tuyến.
"Làm sao để người dân khi mắc những bệnh này được chuyển tuyến một cách nhanh gọn nhất. Tôi cho rằng quy định này là hợp lý", đại biểu nhấn mạnh.
Hoàng Thị Bích
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/thu-truong-bo-y-te-bo-giay-chuyen-tuyen-benh-vien-o-trung-uong-se-vo-tran-204241024175711307.htm