Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái
3 giờ trướcBài gốc
Hệ thực vật phong phú tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) là điểm nhấn hấp dẫn du khách.
Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, trực thuộc Hạt Kiểm lâm Quan Hóa, hiện có trên 623ha rừng tự nhiên, với tính đa dạng sinh học cao. Quá trình điều tra, nghiên cứu đã phát hiện, ghi nhận nơi đây có khoảng 673 loài thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật hạt trần quý hiếm, như thông pà cò, đỉnh tùng, dẻ tùng sọc hẹp, dẻ tùng sọc rộng... và 217 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Đây chính là tiềm năng, lợi thế để nơi đây phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Để thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã chú trọng triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, thành lập các tổ bảo vệ rừng, hàng tháng lực lượng này phối hợp với cán bộ các trạm kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, thường xuyên nắm bắt, cung cấp thông tin để các trạm kiểm lâm có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Cùng với đó, hạt cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn huyện Quan Hóa, Quan Sơn tổ chức 5 cuộc thi dưới hình thức “Rung chuông vàng”, thu hút 880 học sinh tham gia, nhằm tìm hiểu về Luật Lâm nghiệp và Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động. Xây dựng, vận hành
website giới thiệu tài nguyên của Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan và Nhân dân khai thác, sử dụng vào mục đích quảng bá, tìm hiểu.
Ngoài ra, Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động cũng đã triển khai được nhiều chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ động, thực vật. Trong đó, nổi bật là các Dự án “Nghiên cứu một số đặc tính sinh vật học, sinh thái học của các loài hạt trần quý, hiếm; "Thử nghiệm gây trồng loài thông đỏ đá vôi, đỉnh tùng tại Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa”...
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, tại Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động đã đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như, xây dựng 12 bảng nội quy, bảng chỉ dẫn du khách, 2 chòi nghỉ chân đón tiếp du khách (1 chòi tại văn phòng Hạt Kiểm lâm Quan Hóa, 1 chòi tại vùng lõi khu bảo tồn), cung cấp 66 thùng thu gom rác thải cho các xã, thôn, bản vùng đệm khu bảo tồn, 1 hệ thống cung cấp nước sạch tự chảy cho sinh hoạt, làm việc kết hợp du lịch sinh thái; xây dựng 4 mô hình về phát triển du lịch sinh thái, 3 mô hình làng sinh thái gắn với cải tạo nhà sàn và sản xuất nông nghiệp phục vụ các dịch vụ du lịch, 1 mô hình hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống... Từ các hoạt động trên đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), hiện có 200ha rừng, trong đó có gần 100ha rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng phong phú. Hiện, rừng Lam Kinh có khoảng từ 300 đến 400 loài thực vật, trong đó có nhiều loài gỗ quý như, dổi, lim xanh, long não, ngát trơn, sồi nếp... Đây chính là lợi thế để khai thác phát triển du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Rừng được coi là kho tài nguyên quý giá để thu hút du khách về với Lam Kinh. Thời gian qua, để bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư cũng như khách du lịch. Đồng thời, tăng cường tuần tra, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Hàng năm, ban quản lý khu di tích cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân xây dựng kế hoạch phương án bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, và chú trọng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Lam Kinh.
Thanh Hóa được đánh giá là địa phương giàu có về tài nguyên rừng. Toàn tỉnh hiện có 2 vườn quốc gia (VQG) là VQG Bến En và một phần VQG Cúc Phương; 3 khu bảo tồn thiên nhiên gồm Pù Luông, Xuân Liên và Pù Hu; 2 khu bảo tồn loài (Nam Động, Sến Tam Quy); và một số khu bảo tồn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương, ban quản lý các VQG, các khu bảo tồn thiên nhiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng đến đông đảo người dân và khách du lịch, nhằm góp phần giữ vững cảnh quan môi trường, bảo đảm và nâng cao tính đa dạng sinh học của rừng. Tích cực kiểm tra nắm bắt phát hiện sớm trường hợp vi phạm để ngăn chặn xử lý những tình huống chặt phá rừng xảy ra. Tăng cường công tác quảng bá du lịch, áp dụng công nghệ xanh và giải pháp giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên thiên nhiên. Khuyến khích ban quản lý các VQG, các khu bảo tồn thiên nhiên tích cực trồng mới và chăm sóc, bảo vệ rừng nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp... Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái; đồng thời, phấn đấu nâng cao thu nhập từ du lịch gắn với phát triển, bảo vệ rừng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/bao-ve-rung-gan-voi-phat-trien-du-lich-sinh-thai-227959.htm