Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Ơ và các lực lượng cùng tuần tra bảo vệ đường biên kết hợp bảo vệ rừng Đắk Mai.
Tỉnh đang đẩy mạnh việc bảo vệ và phát triển kho báu vô giá này, tạo động lực để phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Đa dạng và phong phú
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai, địa phương có diện tích rừng lớn và đa dạng sinh học phong phú với hơn 300.000ha, dẫn đầu vùng Đông Nam Bộ. Rừng Đồng Nai có hệ sinh thái nhiệt đới phong phú.
Đáng chú ý, Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) là những trung tâm quan trọng, nơi sinh sống của nhiều loài động-thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Năm 2011, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 211 của thế giới. Tiếp đó, năm 2024, Vườn quốc gia Cát Tiên được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận là khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu “Danh lục Xanh”.
Rừng Đồng Nai có hệ sinh thái nhiệt đới phong phú.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm trên tuyến biên giới Đồng Nai, diện tích khoảng 26.000ha, cũng có sự đa dạng về động, thực vật và là cánh rừng đầu nguồn hết sức quan trọng cấp nước cho hệ thống sông Bé. Đây là tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và bảo tồn gen của rừng Đồng Nai.
Cách đây 28 năm, tỉnh Đồng Nai đã “đóng cửa rừng tự nhiên” và quyết tâm hình thành một vùng bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, liền kề với diện tích hơn 150.000 ha rừng tự nhiên liền mạch nằm ở phía bắc của tỉnh.
Giám đốc Khu Bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết: “Với hệ sinh thái phong phú, nơi đây không chỉ là ngôi nhà của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm mà còn là một “viên ngọc xanh” giữa lòng vùng Đông Nam Bộ, giữ vai trò thiết yếu trong cân bằng sinh thái, bảo vệ và môi trường sống cho người dân quanh vùng”.
Còn ở phía tây nam tỉnh Đồng Nai phải kể đến các cánh rừng nằm trải dài trên tuyến biên giới như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Rừng phòng hộ Đắk Mai, Rừng phòng hộ Bù Đốp và Rừng phòng hộ Lộc Ninh.
Trong đó, rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập có thảm thực vật rừng kín thường xanh trên núi thấp, gồm nhiều loài cây gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ, sao đen, trắc… cùng các loại dược liệu quý hiếm như sâm bố chính, hà thủ ô, sa nhân, đinh lăng rừng. Rừng có độ che phủ dày, nhiều tầng tán, độ ẩm cao, là nơi cư trú lý tưởng cho nhiều loài động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, Bù Gia Mập còn nổi bật với tính đa dạng sinh học rất cao. Theo thống kê, nơi đây có hơn 1.200 loài thực vật và gần 400 loài động vật, trong đó nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và quốc tế như: Voi châu Á, bò tót, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ, gà lôi lam đuôi trắng, công xanh…
Hiện, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Đồng Nai còn mỏng, trong khi diện tích rừng lớn, lại nằm giáp khu dân cư. Nhiều diện tích rừng phòng hộ nằm xen kẽ vườn cao su, vườn điều của người dân nên rất dễ bị xâm phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ cháy trong mùa khô.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai Ngô Văn Vinh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tăng cường quản lý và giám sát rừng bằng cách ứng dụng công nghệ GPS, drone và hệ thống giám sát từ xa để phát hiện sớm các hành vi xâm hại rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về rừng”.
Cơ quan chức năng cũng đa dạng hóa giống cây trồng, ưu tiên các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện sinh thái; thúc đẩy các mô hình kinh tế dưới tán rừng, như nông-lâm kết hợp, trồng dược liệu và khai thác lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các chủ rừng, khuyến khích, tăng cường liên kết với doanh nghiệp.
Tận tâm với rừng
Bên cạnh lực lượng chuyên trách, nhiều chủ rừng đã giao khoán cho cộng đồng dân cư sống gần rừng nhận khoán rừng bảo vệ. Những người nhận khoán thường là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, hiểu và gắn bó với rừng.
Do đó, họ nắm rất kỹ những người dân trong vùng thường ra vào rừng, chủ động tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng như chặt phá, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai (xã Đắk Ơ, tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Tiên Phong cho biết: “Chúng tôi đang quản lý hơn 7.000 ha rừng trải dài trên 30 km, trong đó có nhiều diện tích nằm liền kề khu dân cư. Rừng Đắk Mai là rừng phòng hộ nhưng là rừng vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Do đó, ngoài các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ rừng, các chủ rừng chú trọng giao khoán cho các cộng đồng dân cư. Nhờ đó, nhiều năm qua rừng không bị xâm hại, một số vụ cháy rừng đã xảy ra do người dân địa phương vào rừng bắt ong bất cẩn nhưng đã được dập tắt kịp thời nên thiệt hại không đáng kể”.
Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Đắk Ơ quản lý, bảo vệ diện tích rừng nằm trên địa bàn đồn đứng chân. Thiếu tá Hà Sỹ Quý, Phó đồn Biên phòng Đắk Ơ cho biết: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, do đó cán bộ chiến sĩ của đồn phối hợp nhịp nhàng với ban quản lý rừng tuần tra bảo vệ biên giới và bảo vệ rừng.
Trong tháng cao điểm mùa khô, đồn cắt cử lực lượng cùng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, chủ rừng phát quang các vị trí nguy cơ cao để tạo đường băng cản lửa. Hai đơn vị còn xây dựng chung chốt bảo vệ biên giới phối hợp với bảo vệ rừng tại những điểm quan trọng.
Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Tùng (Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng 42, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai), Đại úy Lê Triều Đại Phong (Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Đắk Ơ) cùng một số thành viên cộng đồng bảo vệ rừng, các dân quân thường trực… đến thăm Chốt bảo vệ rừng 42.
Từ Đồn Biên phòng Đắk Ơ đến đây khoảng 8 km đường rừng đã được bê-tông hóa nhưng ô-tô phải di chuyển hơn một tiếng đồng hồ bởi sau một đêm mưa, hàng trăm cây lồ ô, gỗ mục bị kéo đổ ra đường.
Đại úy Lê Triều Đại Phong cho biết, bình thường đi bằng xe máy chậm hơn nhiều vì mùa mưa đường trơn trượt, cây gãy đổ ra đường. Mỗi lần đi tuần, anh em phải mang theo rựa hoặc cưa máy để dọn dẹp. Chốt bảo vệ biên giới kết hợp bảo vệ rừng số 42 nằm cạnh con sông Đắk Quýt và phía sau chốt là Cột mốc 62 (2) biên giới Việt Nam-Campuchia.
Ở chốt có nhiều “không”: Không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet… Cán bộ, chiến sĩ và lực lượng bảo vệ rừng ở đây ngày đêm làm bạn với thú rừng và tiếng nước sông. Chốt rất sạch sẽ, gọn gàng.
Anh Nguyễn Tùng, đã có 23 năm gắn bó với rừng Đắk Mai, 3 năm gắn bó với chốt 42, cho biết: Ở đây xa trung tâm, thiếu thốn đủ thứ nên anh em sống gắn bó với nhau nhiều hơn, thông cảm với nhau hơn. Mỗi lần đi chợ thì mua đồ ăn cho 2-3 ngày. Do không nên không có tủ lạnh, đồ ăn tươi mua về chỉ có cách kho thật mặn hoặc ướp muối ăn dần. Lại phải dự trữ thêm ít cá khô để phòng khi mưa dài ngày.
Nói ở gần suối có cá ăn, nhưng mùa mưa nước chảy dữ lắm, không ai dám xuống sông. Cũng chính nhờ sự sát sao, gắn bó của nhiều lực lượng như vậy, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò của tỉnh trong thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Với tiềm năng về diện tích rừng, đa dạng sinh học và sự hỗ trợ từ chính sách, Đồng Nai có thể biến thách thức thành động lực để phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng Nai đã phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai” giai đoạn 2021-2030; trong đó, quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch và 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối; giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động.
NHẤT SƠN-THIÊN VƯƠNG