Chương trình buổi lễ gồm phần lễ kỷ niệm và lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của khoảng 13.000 người. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
TP. Hồ Chí Minh sáng nay nắng vàng rực rỡ, rộn ràng cờ hoa, người dân khắp nơi đổ về để vui chung ngày hội thống nhất non sông. Đúng ngày hôm nay, tròn nửa thế kỷ đất nước ta độc lập. Đất nước ta đang ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" và trên khắp cả nước là tinh thần cùng bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, từ chiều hôm trước, rất đông người dân từ trẻ đến già đã có mặt tại các tuyến đường nơi các khối diễu binh đi qua để "xí" chỗ, với mong muốn được ngắm trọn vẹn nhất toàn cảnh ngày lễ lớn của dân tộc.
Nhiều cao ốc sáng rực đèn, có những tòa nhà chạy cờ Tổ quốc soi bóng lung linh trên sông Sài Gòn. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng tung bay khắp ngóc ngách của Thành phố. Ông Tom Fox, cựu phóng viên chiến trường, đến Việt Nam từ năm 1966, nay trở lại Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nói rằng, ông nhìn thấy rất nhiều lá cờ 2 màu (cờ giải phóng) ở ngoài đường và cả những lá cờ đỏ sao vàng mà ông vẫn thường thấy.
Ông Tom Fox thấy người dân rất vui mừng và ông cũng vậy. "Tôi ở đây có mấy ngày thôi mà thấy mọi người rất vui vẻ, ngoài đường có rất nhiều người chờ đón buổi lễ rất lớn kỷ niệm 50 năm giải phóng, vui lắm", ông nói.
Bên trong khán đài, nơi diễn ra buổi lễ chính, từ 2-3h sáng, nhiều người đã có mặt. Cánh phóng viên đứng xếp hàng chờ kiểm tra an ninh để tìm được chỗ đẹp tác nghiệp trong buổi lễ quan trọng. Nhiều người có mặt từ sáng sớm, để chuẩn bị cho buổi lễ đặc biệt quan trọng này.
Đúng 6h30 lễ kỷ niệm chính thức diễn ra. Không khí hào hùng của toàn dân tộc trong Ngày hội thống nhất non sông dường như hiện diện khắp nơi.
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang; đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân…
Lễ kỷ niệm mở màn bằng màn trống hội, múa súng kết hợp quân nhạc cùng nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Sau đó là lễ chào cờ, Quốc ca Tổ quốc cất vang giữa thành phố mang tên Bác.Cùng lúc đó 21 loạt đại bác vang lên từ bến Bạch Đằng.
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ đọc diễn văn, sau đó là phát biểu của đại diện Cựu chiến binh và đại diện thế hệ trẻ. Nhân dịp này, TP. Hồ Chí Minh vinh dự nhận Danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới.
Trước khi chương trình diễu binh diễu hành bắt đầu, âm vang ca khúc Đất nước trọn niềm vui vang lên mang đến một không khí trọn vẹn của buổi lễ.
Ngay sau đó, chương trình diễu binh, diễu hành gồm 48 khối quân đội, công an, quần chúng nhân dân trong đó có 36 khối lực lượng vũ trang - công an, 12 khối quần chúng và diễu binh của quân đội 3 nước khách mời Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Cùng lúc đó, trên bầu trời, các máy bay tiêm kích Su30-MK2 và máy bay chiến đấu Yak-138 cất cánh từ sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, đội hình 10 trực thăng mang theo cờ Đảng và cờ Tổ quốc bay trên bầu trời Thành phố mang tên Bác. Mỗi lá cờ có diện tích hơn 19m2, được thả kèm quả đối trọng nặng 120kg để giữ ổn định trong không trung. Các máy bay, trực thăng bay qua nhiều địa điểm như quận 1, quận 4 và khu vực ven sông Sài Gòn.
Thứ tự các khối tham gia diễu binh diễu hành gồm:
Diễu binh các khối Quân đội, Dân quân tự vệ: Xe chỉ huy, tổ Quân kỳ toàn quân; khối nữ Quân nhạc; khối sĩ quan đại diện 5 cánh quân; khối chiến sĩ Giải phóng quân; khối sĩ quan Lục quân; khối sĩ quan Hải quân; khối sĩ quan Phòng không - Không quân; khối sĩ quan Biên phòng; khối sĩ quan Cảnh sát biển; khối sĩ quan Hậu cần - Kỹ thuật; khối nữ sĩ quan Thông tin; khối nữ sĩ quan Quân y.
Khối chiến sĩ Tác chiến điện tử; khối lực lượng Tác chiến không gian mạng; khối nữ Gìn giữ hòa bình Việt Nam; khối chiến sĩ Lục quân; khối chiến sĩ Tăng thiết giáp; khối chiến sĩ Đặc công; khối nữ chiến sĩ Biệt động; khối chiến sĩ Đặc nhiệm dù; khối nam Dân quân biển; khối nữ Du kích miền Nam; khối nữ Dân quân miền Bắc và khối Hồng kỳ.
Diễu binh các khối Công an gồm: Xe chỉ huy và tổ Công an kỳ toàn lực lượng; khối nam sĩ quan An ninh nhân dân; khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân; khối nam sĩ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; khối sĩ quan Không quân Công an nhân dân; khối nữ sĩ quan Cảnh sát giao thông; khối nam sĩ quan Công an TP. Hồ Chí Minh.
Khối sĩ quan Cảnh sát Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; khối nam chiến sĩ Cảnh sát cơ động; khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm; khối nam chiến sĩ Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu; khối nam lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; khối Cảnh sát cơ động kỵ binh.
12 khối diễu hành gồm: Khối Tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử tiêu biểu (diễu hành trên xe); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khối Cựu chiến binh; khối Cựu thanh niên xung phong giải phóng; khối Công nhân; khối Nông dân; khối Trí thức; khối Doanh nhân; khối Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; khối Phụ nữ; khối Thiếu nhi và Thanh niên; khối Văn hóa - Thể thao.
Các lực lượng sẽ xuất phát từ phía giao lộ đường Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chuyển qua lễ đài chính phía trước Hội trường Thống Nhất. Kết thúc lịch trình, các lực lượng sẽ chia ra 4 hướng di chuyển về điểm tập kết gồm:
Hướng 1: Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Công viên Bến Bạch Đằng;
Hướng 2: Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi – Lê Lai – Cách mạng Tháng Tám – Công viên Tao Đàn;
Hướng 3: Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Đình Chiểu – Đinh Tiên Hoàng – Sân vận động Hoa Lư;
Hướng 4: Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng – Công viên Lê Văn Tám.
Người dân có thể xem lễ diễu binh diễu hành qua 21 màn hình LED tại các tuyến đường chính tại Thành phố.
Nguyễn Hồng