Bất đồng, mâu thuẫn và sự hoài nghi

Bất đồng, mâu thuẫn và sự hoài nghi
6 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, trước khi diễn ra vòng đối thoại thứ 4, Bộ trưởng Ngoại giao Oman Hamood Albusaidi cho biết, vì các lý do hậu cần, các nhà trung gian đang phải xây dựng lại lịch trình cuộc gặp Mỹ-Iran, vốn trước đó được ấn định vào ngày 3/5. Ngày gặp mới sẽ được thông báo sau khi hai bên nhất trí.
Sau khi Oman và Iran cùng thông báo hoãn vòng đàm phán tiếp theo, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm hoàn toàn việc mua dầu và sản phẩm hóa dầu của Iran, đồng thời cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt thứ cấp bất kỳ đối tác nào vi phạm lệnh cấm này, trong đó có việc không được giao thương với Mỹ dưới mọi hình thức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cảnh báo, Iran sẽ phải gánh chịu hậu quả vì ủng hộ Houthi ở Yemen, lực lượng đã tấn công nhiều tàu qua Biển Đỏ và đang phải hứng chịu chiến dịch tấn công của Mỹ từ giữa tháng 3.
Phản ứng trước động thái từ Mỹ, Bộ Ngoại giao Iran kịch liệt lên án biện pháp trừng phạt mới của Tổng thống Donald Trump nhắm vào các khách hàng mua dầu của Iran; đồng thời cho rằng, việc Washington cùng lúc theo đuổi cả biện pháp trừng phạt và ngoại giao phản ánh “sự hoài nghi chính đáng” của Tehran về ý định của Mỹ.
Một số quan chức Iran cảnh báo, việc Washington duy trì trừng phạt Tehran trong tiến trình thương lượng sẽ không giúp ích cho việc thu hẹp khác biệt quan điểm về chương trình hạt nhân.
Những động thái nêu trên làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran, dội gáo nước lạnh vào tiến trình đàm phán đang diễn ra. Trong bối cảnh vòng đàm phán gián tiếp thứ 4 giữa Mỹ và Iran bị hoãn vì lý do hậu cần và kỹ thuật, thì theo các nhà phân tích, đây là sự tiếp nối của “chiến dịch gây áp lực tối đa” được Mỹ thiết lập lại vào tháng 2 vừa qua nhằm làm tê liệt nền kinh tế Iran bằng cách cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ, ngay cả khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành.
Động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ đã phát đi những tín hiệu trái chiều, làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao. Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2018, lĩnh vực dầu mỏ của Iran đã phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt leo thang.
Tuy nhiên, Nhà nước Hồi giáo vẫn thể hiện khả năng phục hồi khá tốt và đạt khối lượng xuất khẩu dầu thô trung bình khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2022, tăng lên hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Trước động thái cứng rắn từ Mỹ, Iran mặc dù tuyên bố vẫn nghiêm túc trong đàm phán, song tiếp tục tái khẳng định lập trường không thể nhượng bộ, bao gồm các quyền làm giàu urani trong nước và việc dỡ bỏ một cách hiệu quả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei, các chi tiết của bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải nằm trong khuôn khổ phác thảo chung đã được hai bên nhất trí. Sẽ không có thỏa thuận nào đạt được trừ khi “khuôn khổ chung” mà Iran mong muốn được tính đến.
Ông Baghaei nhấn mạnh, các cuộc tham vấn kỹ thuật sẽ được tổ chức đồng thời ở mỗi giai đoạn đàm phán. Việc chấm dứt lệnh trừng phạt một cách hiệu quả và việc tiếp cận tài sản bị đóng băng của Iran là những yêu cầu nghiêm túc của Tehran trong các cuộc đàm phán.
Những thiện chí được Mỹ và Iran đưa ra trong các vòng đàm phán trước vốn được coi là biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên. Tuy nhiên, phía Iran cho rằng, ngoại giao thật sự không thể tiến hành dưới sự đe dọa hoặc áp lực, đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán chỉ nên tập trung vào vấn đề hạt nhân và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Bất đồng sâu sắc, mâu thuẫn và tồn tại sự hoài nghi giữa hai bên luôn gây trở ngại cho các cuộc đàm phán mà kết quả của nó có ảnh hưởng không nhỏ tới hòa bình và an ninh khu vực
HÀ ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bat-dong-mau-thuan-va-su-hoai-nghi-post877483.html