Bát nháo trại hè: Ai chịu trách nhiệm khi con trẻ bị tổn thương?

Bát nháo trại hè: Ai chịu trách nhiệm khi con trẻ bị tổn thương?
một ngày trướcBài gốc
Tự phát và thuần túy thương mại
Hiện chưa có một bộ tiêu chuẩn thống nhất về quy trình đảm bảo chất lượng cho các chương trình trại hè, chương trình ngoại khóa ngoài nhà trường. Chúng ta chỉ có một số quy định chung liên quan đến hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH) hay Thông tư 04/2014/TT-BG&ĐT về quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ, trong đó nhấn mạnh các điều kiện mà đơn vị độc lập ngoại trường tổ chức hoạt động phải có.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các mô hình trại hè tư nhân rất lộn xộn và không theo khung pháp lí thống nhất. Tình trạng trại hè tự phát, hoạt động như dịch vụ thương mại thuần túy, không đạt chuẩn về: đội ngũ giảng dạy (chưa qua huấn luyện kĩ năng sư phạm hoặc chăm sóc trẻ); chương trình (nội dung lệch chuẩn, không giáo dục kĩ năng sống đúng cách); an toàn (không có hệ thống đánh giá rủi ro, sơ cứu, bảo hiểm); an toàn dinh dưỡng (thực đơn thiếu kiểm định y tế)… vẫn xảy ra nhiều.
Trẻ em chụp ảnh trải nghiệm trong một trại hè. Ảnh: TV
Vừa qua, Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc tăng cường các hoạt động quản lí, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong dịp hè năm 2025, trong đó xác định rõ mục tiêu và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức hoạt động hè cho học sinh. Bộ chỉ đạo các sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện bàn giao học sinh về cho gia đình và địa phương quản lí trong dịp hè.
Việc bàn giao này đi kèm với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Bộ GD&ĐT giám sát thông qua việc yêu cầu các địa phương báo cáo định kì và đột xuất. Bộ này cũng có thể tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, nắm bắt tình hình tại một số địa phương trọng điểm, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao về tai nạn thương tích hoặc có những vấn đề phức tạp phát sinh.
Tuy nhiên, đã đến lúc cần có bộ tiêu chuẩn về quy trình đảm bảo chất lượng cho các chương trình trại hè, chương trình ngoại khóa ngoài nhà trường. Tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, lúc xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm. Nhất là, học sinh thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, phụ huynh vừa mất tiền vừa rước phiền muộn vào người.
Lo ngại tổn thương, xâm hại
Theo TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), phụ huynh cần hiểu đúng về “quyền được khổ” của con. Thực hiện quyền này không có nghĩa cho con đến sinh hoạt tại nơi mất vệ sinh, rèn kĩ năng sinh tồn kiểu bị muỗi đốt, nhưng cũng không có nghĩa cha mẹ đi theo, mang đồ tiếp tế khi con tập quân sự…
Tuy nhiên, các trại hè, hoạt động trải nghiệm nhiều năm qua đã bộc lộ rủi ro như tai tai nạn do thiếu quy trình an toàn, xâm hại thể chất hoặc tình dục, tổn thương tâm lí khi trẻ bị ép tham gia hoạt động vượt khả năng…
Ông Nam đưa ra những lưu ý khi phụ huynh lựa chọn trại hè cho trẻ. Phụ huynh cần tìm hiểu kĩ về đơn vị tổ chức. Đảm bảo rằng các dịch vụ giáo dục cần có đội ngũ với chuyên môn, năng lực sư phạm. Không nên bị hấp dẫn bởi những khái niệm mơ hồ được quảng cáo về giáo dục khai phóng; trải nghiệm cảm xúc; công dân thế kỷ 21 mà cần hiểu rõ về nội dung hoạt động, phương pháp giáo dục; tiêu chuẩn đánh giá; quản trị rủi ro.
Cha mẹ cần cân nhắc và quyết định về sự phù hợp của các hoạt động với độ tuổi, đặc điểm nhân cách, sự phát triển tâm lí lứa tuổi, mức độ tự lập của trẻ. Xem xét cẩn trọng các kênh phản hồi; quy trình quản trị rủi ro và sự cố. Hợp đồng và bảo hiểm thế nào. Nếu các yếu tố này không rõ, né tránh trả lời thì cần cân nhắc lại, tìm kiếm thêm những ý kiến phản hồi thực tế từ các phụ huynh khác qua các kênh không chính thức để cân nhắc đa chiều.
“Niềm tin giáo dục phải được xây dựng trên nền tảng minh bạch, trách nhiệm, và đạo đức nghề nghiệp. Về phía gia đình, cần tỉnh táo, chủ động tìm hiểu và đặt lợi ích của con trẻ lên hàng đầu, thay vì chỉ kỳ vọng con sẽ “mạnh mẽ”, “trưởng thành” sau vài ngày cho đi trải nghiệm.
Thực tế, kỉ nguyên số rồi, các con trải nghiệm ảo cũng được. Không nhất thiết phụ huynh bắt các con phải tự tiếp xúc với nguy hiểm mới là “quyền được khổ”, TS Trần Thành Nam nói.
Ông Đặng Hoa Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũ) cho rằng, mô hình trại hè, trải nghiệm kĩ năng sống nếu hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ sẽ góp phần bổ trợ cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Hiện có các mô hình như trại hè quân đội, trại hè công an, khóa tu, trại hè của Đoàn thanh niên. Các mô hình này có cơ quan quản lí rõ ràng.
Đối với trại hè tự phát, địa phương quản lí, ông Nam khẳng định việc tham gia trại hè bố mẹ phải dựa vào nhu cầu, tính cách của con. Trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em.
NGHIÊM HUÊ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bat-nhao-trai-he-ai-chiu-trach-nhiem-khi-con-tre-bi-ton-thuong-post1763353.tpo