Bầu cử Đức 2025 còn 1 ngày: Nền kinh tế trì trệ tác động đến lá phiếu cử tri

Bầu cử Đức 2025 còn 1 ngày: Nền kinh tế trì trệ tác động đến lá phiếu cử tri
12 giờ trướcBài gốc
Nền kinh tế Đức đang trong giai đoạn suy thoái, ghi nhận hai năm liên tiếp suy giảm. Hiện tại, quy mô nền kinh tế này chỉ ngang bằng năm 2019, trong khi nhiều nền kinh tế tiên tiến khác đã có sự phục hồi vững chắc.
Ba yếu tố dẫn tới nền kinh tế trì trệ
Đối với nhiều cử tri đã trải qua giai đoạn thu nhập thực tế trì trệ, triển vọng kinh tế ảm đạm càng khiến họ bi quan, với dự đoán thu nhập thực tế sẽ tiếp tục giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có ba yếu tố chính đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Đức.
Yếu tố đầu tiên là chính sách tài khóa chặt chẽ. Đức duy trì mức thuế cao và chi tiêu công thấp hơn so với nhiều quốc gia khác do "phanh nợ" được quy định trong hiến pháp, chỉ cho phép thâm hụt ngân sách khi có tình trạng khẩn cấp.
Trước đây, quy định này từng được nới lỏng trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên khi tranh cãi về việc có nên áp dụng tình trạng khẩn cấp mới để tăng vay nợ trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine diễn ra, chính quyền liên minh của Đức đã tan rã.
Điều này khiến thâm hụt tài chính vẫn duy trì ở mức vừa phải, trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thâm hụt có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Yếu tố thứ hai là sự suy giảm nhu cầu từ nước ngoài. Trong nhiều thập kỷ, Đức hưởng lợi lớn từ quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất châu Á từng phụ thuộc nhiều vào máy móc sản xuất và ô tô Đức. Tuy nhiên khi tiến tới biên giới công nghệ, Trung Quốc đã giảm nhu cầu nhập khẩu từ Đức, khiến động lực tăng trưởng quan trọng này suy yếu.
Nhưng nếu nguyên nhân suy thoái kinh tế của Đức chỉ đơn thuần do nhu cầu giảm, thì giá cả đáng lẽ phải đi xuống. Vậy mà trên thực tế, giá cả vẫn tăng mạnh.
Ảnh minh họa: Unsplash
Lạm phát tại Đức đã duy trì ở mức cao trong vài năm qua và không thấp hơn đáng kể so với Mỹ hay khu vực đồng euro. Trong vòng 12 tháng tới, các hộ gia đình Đức dự đoán lạm phát sẽ ở mức trên 3%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức vẫn thấp hơn so với hầu hết các nước châu Âu và không cao hơn đáng kể so với năm 2019. Điều này cho thấy thiếu hụt cầu không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trì trệ. Thay vào đó, các vấn đề từ phía cung, bao gồm dự báo thu nhập giảm và lạm phát cao, là những yếu tố then chốt.
Khủng khoảng kinh tế ba chiều
Đức hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ba chiều trên phương diện cung ứng: giá năng lượng đắt đỏ, lực lượng lao động suy giảm và tăng trưởng năng suất thấp.
Giá năng lượng tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, gây ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với Đức do nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga. Chính phủ sắp mãn nhiệm, với vai trò quan trọng của Đảng Xanh, đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, khiến chi phí gia tăng thêm. Bên cạnh chi phí do hệ thống giao dịch khí thải châu Âu áp đặt, điều này tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.
Về lực lượng lao động, năng suất lao động theo giờ tại Đức tăng trưởng yếu, tương tự Vương quốc Anh. Sự suy giảm số giờ làm việc có thể liên quan đến biến đổi nhân khẩu học, nhập cư không hiệu quả hoặc thay đổi sở thích lao động sau COVID-19.
Tăng trưởng năng suất thấp cũng là một vấn đề lớn. Trong khi GDP theo giờ làm việc tại Mỹ đã tăng hơn 10% trong những năm gần đây, Đức và Vương quốc Anh lại tụt lại phía sau. Nguyên nhân có thể do hạ tầng cũ kỹ, đầu tư tư nhân thấp, thiếu hụt doanh nghiệp khởi nghiệp và ít công ty phát triển thành tập đoàn lớn.
Bởi vậy, dù vấn đề nhập cư đang thu hút sự chú ý của cử tri Đức trước cuộc bầu cử, thì tình trạng kinh tế vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất phản ánh tâm trạng của quốc gia.
Ngọc Ánh (theo Conversation, DW)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/bau-cu-duc-2025-con-1-ngay-nen-kinh-te-tri-tre-tac-dong-den-la-phieu-cu-tri-post335618.html