Truyền thông Ấn Độ nói gì về tinh gọn bộ máy của Việt Nam?

Truyền thông Ấn Độ nói gì về tinh gọn bộ máy của Việt Nam?
8 giờ trướcBài gốc
Tổng biên tập của tờ báo The Print của Ấn Độ, ông Shekhar Gupta mới đây đã có chia sẻ về nền kinh tế Việt Nam trên chương trình tọa đàm "Cut the Clutter". Phát biểu trong chương trình, ông Gupta đã đánh giá rất cao về những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công cuộc tinh gọn bộ máy của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Chia sẻ trên chương trình Cut the Clutter, nhà báo người Ấn Độ Shekhar Gupta đã đánh giá cao công cuộc phát triển nền kinh tế và tinh gọn bộ máy của Chính phủ Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.
Từ câu chuyện áo phông đến xuất nhập khẩu
Theo ông Gupta, trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng trong cải cách kinh tế, đưa đất nước trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay có quy mô gần nửa nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 7% mỗi năm. Các chính sách cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và sản xuất, đã giúp Việt Nam thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà báo người Ấn Độ nhận định: Một trong những minh chứng rõ rệt nhất cho sự thành công này là vị thế của Việt Nam trong ngành xuất khẩu. Theo số liệu mới nhất, xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 93,8% GDP, trong khi nhập khẩu vào khoảng 89,98% GDP, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững. Con số này rất đáng chú ý khi so sánh với Ấn Độ, nơi xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 21,89% GDP, còn nhập khẩu là 23,96% GDP.
Đặc biệt, ông Shekhar Gupta đã đề cập đến sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng một câu chuyện rất thực tế về trải nghiệm mua sắm của ông:
"Trong một chuyến mua sắm gần đây tại chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo tại Ấn Độ, tôi tình cờ bắt gặp rất nhiều chiếc áo thun có mẫu mã rất đẹp. Khi tôi kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tôi lại rất bất ngờ khi phát hiện những chiếc áo này được sản xuất tại Việt Nam, thay vì tại Ấn Độ”.
Theo ông Gupta, điều đáng chú ý là mặc dù Ấn Độ có ngành công nghiệp dệt may lớn, nhưng hãng thời trang Uniqlo và nhiều thương hiệu quốc tế khác vẫn chọn nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Điều này cho thấy năng lực sản xuất và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang vô cùng lớn, và vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực.
“Không chỉ trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam còn vươn lên trở thành trung tâm sản xuất điện tử quan trọng của thế giới. Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính xách tay và các linh kiện. Các công ty lớn như Samsung, Apple, và nhiều tập đoàn công nghệ khác đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, giúp đất nước này trở thành một trung tâm lắp ráp và sản xuất quan trọng”, ông Gupta nói thêm.
Bài học về tinh gọn bộ máy cho Ấn Độ
“Bên cạnh thành công trong kinh tế, Việt Nam cũng đang thực hiện một cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đây có thể nói là cải cách lớn nhất kể từ giai đoạn Đổi Mới”, ông Gupta nhận định.
Theo nhà báo Shekhar Gupta, công cuộc cải cách tinh gọn bộ máy của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ, phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: bocongan.gov.vn
Nhà báo người Ấn Độ cũng đặc biệt tâm đắc câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12: “Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".
Ngoài ra, ông Gupta đã ca ngợi việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống Chính phủ Việt Nam, bao gồm việc hợp nhất thành 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ. Điều này là đặc biệt ấn tượng khi so sánh với Ấn Độ, một quốc gia có tới 54 bộ.
Theo nhà báo người Ấn Độ, quyết định trên là hoàn toàn phù hợp với xu thế tinh gọn bộ máy của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Mỹ, Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo hiện đang có những động thái cắt giảm mạnh mẽ. Trong khi đó, tại Argentina, Thủ tướng Javier Milei cũng đã cắt giảm 18 bộ xuống còn 9 độ, qua đó cải thiện tình hình kinh tế cho quốc gia này.
Ông Gupta cũng khẳng định rằng công cuộc cải cách tinh gọn bộ máy tại Việt Nam không chỉ góp phần cắt giảm chi phí mà còn chắc chắn sẽ nâng cao hiệu suất làm việc của chính phủ. Ông cho rằng đây cũng là một bài học kinh nghiệm dành cho Ấn Độ, trong bối cản nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt:
“Giống như Việt Nam, Ấn Độ cần cải cách nền kinh tế, khả năng quản lý và giải tỏa những điểm nghẽn của trong hệ thống của chúng ta, để tránh bị bỏ lại phía sau”.
Nhà báo Ấn Độ Shekhar Gupta kết luận: “Việt Nam không chỉ thành công trong việc xây dựng một nền kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ mà còn đang thực hiện một cuộc cải cách hành chính quyết liệt để nâng cao hiệu quả chính phủ. Sự quyết liệt này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất thế giới, thu hút nhiều vốn đầu tư và tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn”.
Phú Quý (theo The Print)
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/truyen-thong-an-do-noi-gi-ve-tinh-gon-bo-may-cua-viet-nam-375169.html