Làn sóng sa thải ở Mỹ: Tranh cãi chưa có hồi kết

Làn sóng sa thải ở Mỹ: Tranh cãi chưa có hồi kết
7 giờ trướcBài gốc
Làn sóng sa thải hàng loạt
Trong tuần vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hành động cứng rắn, sa thải hàng nghìn nhân viên tại hàng loạt cơ quan chính phủ, như một phần trong chiến dịch cắt giảm và tinh gọn biên chế.
Ông Trump chỉ trích chính phủ liên bang - một trong những nhà sử dụng lao động lớn nhất đất nước là quá cồng kềnh và chứa đầy “những người không cần thiết”. Ông cho rằng, động thái này sẽ giúp giảm chi tiêu lãng phí và nâng cao hiệu quả làm việc, đặc biệt là việc thực hiện các chỉ thị của chính quyền. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, việc giảm biên chế quy mô lớn có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các cơ quan quan trọng, đe dọa làm xáo trộn nghiêm trọng các dịch vụ công ở đất nước cờ hoa.
Chiến dịch cắt giảm và tinh gọn biên chế của chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu bằng việc chấm dứt hợp đồng làm việc của hơn 200.000 nhân viên liên bang làm việc tại các Bộ Nội vụ, Bộ Năng lượng, Bộ Cựu chiến binh, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Giáo dục, Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Cho đến nay, chiến dịch này chủ yếu nhắm vào đội ngũ nhân viên thử việc trong năm đầu tiên, người lao động theo hợp đồng xác định thời hạn. Theo các chuyên gia, đây là nhóm đối tượng chưa được hưởng đầy đủ quyền bảo vệ của công chức và dễ bị sa thải hơn.
Tôi nghĩ chúng ta cần loại bỏ hoàn toàn các cơ quan thay vì chỉ để lại một phần, vì nếu chỉ giữ lại một phần, chúng sẽ rất dễ dàng tái phát triển. Nó giống như việc đối phó với cỏ dại: nếu không loại bỏ tận gốc, chúng sẽ lại mọc lên.
Ông Elon Musk - Lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ.
Khoảng 75.000 nhân viên đã chấp nhận khoản đền bù để nghỉ việc tự nguyện. Tổng số nhân viên nói trên tương đương hơn 3% của 2,3 triệu nhân viên dân sự liên bang. Một số cơ quan như Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ thậm chí đã bị đóng cửa hoàn toàn.
Hôm 21/2, Cơ quan Thuế vụ Mỹ đã sa thải 6.700 nhân viên, tương đương khoảng 7% lực lượng lao động của cơ quan này giữa mùa nộp thuế quan trọng. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng đang thu thập thông tin từ các cơ quan như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), làm dấy lên nỗi lo về nhiều vụ sa thải hàng loạt trong thời gian tới.
Giải thích về quyết định trên, Tổng thống Trump cho biết, chính phủ liên bang quá cồng kềnh với quá nhiều khoản tiền đã bị chi tiêu lãng phí và gian lận. Với khoản nợ 36.000 tỷ USD và thâm hụt ngân sách lên đến 1.800 tỷ USD vào năm 2024, ông cho rằng cải cách bộ máy chính phủ là điều cần thiết. Theo ông Trump, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều nhất trí về việc cải cách.
Chúng ta có một lực lượng lao động liên bang hùng hậu, nhưng chỉ khoảng 4% trong số họ thực sự có mặt tại văn phòng. Điều đó không hiệu quả. Mọi người đã cố gắng tinh gọn chính quyền liên bang suốt 40 - 45 năm qua, nhưng chưa ai thành công. Và tôi nghĩ đây là một cách rất hiệu quả để thực hiện điều đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo sắc lệnh mới nhất của Tổng thống Trump, ngoài việc cắt giảm nhân sự mạnh tay, chính quyền liên bang cũng sẽ hạn chế tuyển dụng thêm. Ngoại trừ các chức năng như an toàn công cộng, cứ bốn người nghỉ việc thì chỉ được thêm một nhân viên mới. Ngoài ra, những người mới được tuyển dụng cần có sự chấp thuận của đại diện Bộ Hiệu quả Chính phủ, mở rộng ảnh hưởng của đội ngũ tỷ phú Elon Musk.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, dù chính quyền liên bang có những vấn đề về hiệu quả hoạt động, giống như nhiều tổ chức lớn và phức tạp khác, nhưng lực lượng lao động của chính phủ gần như không thay đổi kể từ năm 1980. Nhiều cơ quan và dịch vụ, như Cục Quản lý Y tế Cựu chiến binh và các trung tâm kiểm soát không lưu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự.
Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ đặc biệt phình to về mặt số lượng nhân viên liên bang. Con số này thực sự không thay đổi trong suốt những thập kỷ qua. Vấn đề mà chúng ta phải đối mặt không phải là sự phình to, mà là tình trạng thiếu hụt nhân sự.
Tiến sĩ Elizabeth Linos - Đại học Harvard.
Theo nghiên cứu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, số lượng nhân viên chính phủ ít hơn đáng kể so với các thời kỳ trước, nhưng lại phải cung cấp dịch vụ cho một số lượng cư dân ngày càng tăng. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động, Mỹ có gần 2,4 triệu nhân viên liên bang, tương đương với số liệu của những năm 1980, khi dân số vào khoảng 220 triệu người. Hiện nay, dân số Mỹ đã vượt qua con số 330 triệu.
Tổng ngân sách liên bang năm ngoái khoảng 6.750 tỷ USD, trong đó tiền lương của nhân viên chỉ chiếm chưa đến 5%. Điều này cho thấy rằng, dù tinh gọn nhân sự có thể giúp giảm chi phí, nhưng mục tiêu cắt giảm 1.000 tỷ USD từ ngân sách liên bang là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vì tiền lương của nhân viên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng ngân sách.
Mặt khác, việc sa thải nhân viên trong thời gian thử việc là một rủi ro, vì điều này thường nhắm vào những nhân viên trẻ tuổi. Kênh tin tức NBC News trích dẫn số liệu thống kê cho biết, thế hệ Baby Boomers, tức nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1946 đến 1964, trong giai đoạn tăng trưởng dân số mạnh mẽ sau Thế chiến thứ hai, đang nghỉ hưu ồ ạt. NBC News cho rằng, những nhân viên chính phủ cần giữ lại trên thực tế chính là những người đang trong thời gian thử việc. Họ trẻ hơn và có kỹ năng tốt.
Tranh cãi chưa có hồi kết
Chiến dịch cắt giảm nhân sự của Tổng thống Donald Trump và cố vấn thân cận Elon Musk đã gây ra sự hoang mang từ phía các nhân viên liên bang. Các tổ chức công đoàn đã kêu gọi các thành viên không chấp nhận việc đền bù và nghỉ việc. Trong khi đó, nhiều vụ kiện đã được đệ trình liên quan đến công việc của Bộ Hiệu quả Chính phủ, cáo buộc cơ quan này thực thi quyền hành “gần như không bị kiểm soát”.
Liên đoàn công nhân viên chính phủ Mỹ (AFGE), công đoàn nhân viên liên bang lớn nhất khẳng định sẽ chống lại quyết định sa thải, cho rằng điều này sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ. Trong những ngày qua, nhiều tổ chức công đoàn, nhân viên liên bang cùng với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã tập trung ở bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ, kêu gọi các nhà lập pháp bảo vệ người lao động khỏi sự can thiệp chính trị.
Chúng tôi có mặt ở đây hôm nay để gửi một thông điệp, một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới các thượng nghị sĩ và đại diện của chúng tôi tại Quốc hội. Hãy bảo vệ công chức và bảo vệ đất nước.
Ông Everett Kelley - Chủ tịch Liên đoàn Công nhân viên Chính phủ Mỹ.
Ba thẩm phán liên bang Mỹ đang xem xét các vụ kiện liên quan đến chiến dịch Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), bao gồm việc liệu đội ngũ của tỷ phú Elon Musk có quyền truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính và dữ liệu nhạy cảm từ các cơ quan y tế, bảo vệ người tiêu dùng và lao động hay không. Hiện một thẩm phán liên bang tại New York đã gia hạn lệnh cấm tạm thời, ngăn DOGE tiếp cận hệ thống của Bộ Tài chính. Lệnh này đã có hiệu lực từ thứ Bảy tuần trước.
Một thẩm phán liên bang khác đã ra lệnh ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Trump nhằm đóng băng một số khoản trợ cấp và viện trợ của liên bang. Mới đây nhất, Tổng chưởng lý tại 14 tiểu bang khởi kiện tỷ phú Elon Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Trong đơn kiện, các quan chức tư pháp Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump đã trao cho Bộ Hiệu quả Chính phủ những quyền hạn không được Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, một thẩm phán của Tòa sơ thẩm tại Washington dù ghi nhận những lo ngại trên, nhưng đã bác yêu cầu từ hơn 10 bang về việc cấm DOGE tiếp cận hệ thống máy tính tại 7 cơ quan liên bang hoặc sa thải nhân viên chính phủ trong thời gian kiện tụng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng gạt bỏ những mối quan ngại trên và so sánh hoạt động của Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ là những cuộc kiểm toán nhằm tối ưu hóa hiệu suất. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bài đăng trên mạng xã hội phản đối các hạn chế đối với quyền hành pháp của mình. Ông khẳng định rằng, kế hoạch của ông không vi phạm pháp luật và mục tiêu là cứu đất nước.
Tác động đến dịch vụ công
Theo giới phân tích, chiến dịch cắt giảm nhân sự của chính quyền Trump cũng sẽ gây ra những tác động nhất định. Các dịch vụ công sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng và tiến độ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Các lĩnh vực quan trọng như phòng chống cháy rừng, quản lý vũ khí hạt nhân và ứng phó dịch bệnh sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.
Chiến dịch cắt giảm nhân sự của chính quyền Trump có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực thi các nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Điển hình nhất là tại Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, nơi có khoảng 3.400 công nhân dự kiến bị sa thải, hoạt động phòng chống cháy rừng sẽ bị hạn chế dù khu vực miền Tây nước Mỹ đang phải vật lộn với mùa cháy rừng tàn khốc nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tương tự, tại Bộ Năng lượng, việc cắt giảm có thể làm suy yếu trực tiếp việc quản lý một mạng lưới rộng lớn các địa điểm lưu trữ và xử lý vũ khí hạt nhân, cũng như các nỗ lực chống khủng bố hạt nhân trên toàn thế giới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cũng có chung số phận. Với gần 1.400 nhân viên thử việc bị cắt giảm và khoảng 400 nhân viên tự nguyện nghỉ việc, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người Mỹ được dự báo sẽ “loay hoay” để ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh và các mối nguy hiểm khác.
Ngoải ra, theo hãng tin Reuters, dự luật chi tiêu hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 14/3, trong khi việc đảm bảo các khoản chi trả hỗ trợ cho nhân sự nghỉ việc tự nguyện vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này càng khiến người dân lo ngại về khả năng duy trì các dịch vụ công cơ bản. Để giải quyết tình trạng trì trệ, chính phủ liên bang có thể phải chuyển sang thuê các nhà thầu tư nhân, nhưng điều này sẽ tốn kém hơn, vì lương của lao động khu vực tư nhân thường cao hơn và ít trách nhiệm hơn. Nếu các dịch vụ công bị ảnh hưởng, điều này có thể làm tăng thêm sự bất mãn và giảm niềm tin của công chúng đối với chính quyền liên bang.
Đối với người lao động, sau chiến dịch sa thải hàng loạt, giờ đây họ phải đối mặt với quyết định tiếp theo, có thể là nghỉ ngơi, hoặc tìm kiếm công việc mới để ổn định cuộc sống. Anh Jourdain Solis, 27 tuổi, đến từ California đã chấp nhận nghỉ việc tự nguyện tại Cơ quan Thuế vụ Mỹ. Sau 5 năm làm việc cho chính phủ, anh hy vọng sẽ nhận được khoản hỗ trợ nhỏ. Anh dự định tìm việc làm ở cấp tiểu bang hoặc thành phố, cũng như trong khu vực tư nhân về kế toán hoặc hành chính.
Tôi nhận lời nghỉ việc tự nguyện, vì chúng tôi không được coi là nhân viên quan trọng của Cơ quan Thuế vụ Mỹ. Trước đây, đã từng có những cuộc thảo luận về khả năng công việc của chúng tôi bị cắt giảm. Và với chính quyền hiện tại, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng công việc của tôi sẽ kéo dài trong bốn năm tới.
Anh Jourdain Solis - Cơ quan Thuế vụ Mỹ.
Anh Constantine Kiriakou, 37 tuổi, từ Virginia Beach, đang làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Anh đã có kế hoạch tham gia chương trình nghỉ việc tự nguyện của chính phủ. Tuy nhiên, sau khi vợ anh bị mất việc tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ do đợt cắt giảm gần đây, anh gặp khó khăn trong việc quyết định. Cả gia đình đã phải bán một chiếc xe và lên kế hoạch cho con lớn nhất nghỉ học mẫu giáo để giảm chi phí sinh hoạt.
Kế hoạch tinh gọn bộ máy chính phủ của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, về cơ bản không phải là động thái bất ngờ. Ông Trump đã nói nhiều lần về việc cắt giảm quy mô chính phủ trong suốt chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái. Việc kế hoạch này vấp phải sự phản đối cũng là điều khó tránh khỏi. Bất chấp những tranh cãi, nhưng kết quả những cuộc khảo sát mới đây, bao gồm cuộc thăm dò của CBS News/YouGuv cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump về vấn đề này vẫn ở mức tích cực. Tuy nhiên, kế hoạch này mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, hiệu quả thực sự của nó vẫn cần có thời gian để kiểm chứng.
Ngọc Mai
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lan-song-sa-thai-o-my-tranh-cai-chua-co-hoi-ket-304790.htm