Trụ sở của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Washington D.C. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Theo tờ Politico, phán quyết này được đưa ra vào ngày 21/2 bởi Thẩm phán Tòa án Liên bang Mỹ Carl Nichols - người được Tổng thống Trump bổ nhiệm. Ông Nichols đã quyết định chấm dứt lệnh tạm hoãn kế hoạch triệu hồi mà chính ông ban hành cách đó hai tuần. Trước đó, các công đoàn lao động liên bang và tổ chức viện trợ quốc tế Oxfam đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn kế hoạch này, với lý do quyết định triệu hồi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của hàng nghìn nhân viên USAID.
Trong phán quyết, ông Nichols nhận định rằng những lo ngại ban đầu về nguy cơ an toàn đối với nhân viên USAID và gia đình họ, cũng như khả năng gián đoạn điều trị y tế, là chưa có cơ sở vững chắc. Ông cũng đặt câu hỏi liệu tác động của việc triệu hồi nhân viên có thực sự nghiêm trọng hơn những khó khăn mà chính quyền Mỹ đang gặp phải trong quá trình điều chỉnh chính sách viện trợ nước ngoài hay không.
Theo lập luận của chính quyền Tống thống Trump, kế hoạch triệu hồi nhân viên USAID là một phần trong chiến lược tái cơ cấu viện trợ quốc tế, phù hợp với định hướng chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Chính quyền cho rằng việc điều chỉnh bộ máy USAID là cần thiết để đảm bảo các mục tiêu chiến lược của Mỹ trên toàn cầu.
Hiện tại, các công đoàn lao động liên bang và tổ chức Oxfam đang cân nhắc việc kháng cáo lên Tòa phúc thẩm liên bang tại Washington D.C. nhằm tiếp tục tìm cách ngăn chặn kế hoạch này. Ông Everett Kelley - Chủ tịch Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ, nhận định rằng phán quyết của tòa là một bước lùi nhưng khẳng định tổ chức này vẫn cam kết bảo vệ quyền lợi của nhân viên USAID cũng như công việc mà họ đang thực hiện.
Luật sư Lauren Bateman - thuộc nhóm pháp lý Public Citizen, không đề cập trực tiếp đến khả năng kháng cáo nhưng cho biết các bước pháp lý tiếp theo đang được xem xét nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài để ngăn chặn kế hoạch của chính quyền.
Trước đó, một thẩm phán khác tại Washington đã ra lệnh tạm thời ngăn chặn quyết định của chính quyền về việc đình chỉ các khoản tài trợ và hợp đồng viện trợ nước ngoài do USAID và Bộ Ngoại giao quản lý. Cùng thời điểm, một nhóm nhân viên có hợp đồng cá nhân với USAID cũng đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn việc chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, vụ kiện này sau đó đã được chuyển giao cho Thẩm phán Nichols.
Mặc dù phán quyết của ông Nichols chưa phải là quyết định cuối cùng về việc liệu kế hoạch triệu hồi hay sa thải nhân viên USAID có hợp pháp hay không, ông cho rằng Quốc hội Mỹ đã có các cơ chế pháp lý riêng để nhân viên liên bang giải quyết tranh chấp lao động. Điều này có nghĩa là việc các công đoàn khởi kiện có thể không phải là con đường phù hợp để phản đối quyết định của chính quyền.
Các luật sư đại diện cho công đoàn cho rằng số lượng nhân viên bị ảnh hưởng là rất lớn, khiến việc khiếu nại thông qua các hội đồng giám sát dân sự liên bang trở nên không khả thi. Họ cũng lo ngại rằng các cơ quan này khó có thể xử lý kịp thời những tình huống khẩn cấp mà nhiều nhân viên USAID đang gặp phải theo kế hoạch của chính quyền.
Với phán quyết mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump có thể xúc tiến kế hoạch triệu hồi nhân viên USAID, trong khi các tổ chức lao động và nhân quyền tiếp tục tìm kiếm các biện pháp pháp lý nhằm ngăn chặn quyết định này.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo Politico)