Bầu cử Mỹ 2024: Nền kinh tế có thực sự 'quan tâm' ai trở thành Tổng thống?

Bầu cử Mỹ 2024: Nền kinh tế có thực sự 'quan tâm' ai trở thành Tổng thống?
3 giờ trướcBài gốc
Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris bắt tay nhau trước khi tranh luận ở Philadelphia, ngày 10/9. (Nguồn: Getty Images)
Rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc được đầu tư vào các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và năm nay cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, theo DW - hãng truyền thông công cộng quốc tế của Đức - khi xem xét kỹ dữ liệu từ năm 2009 đến nay, bất kể ai nắm quyền, nền kinh tế đều chịu sự chi phối giống nhau khi đối mặt với các sự kiện toàn cầu.
Vững ngôi vị đứng đầu
Nhìn từ năm 2009 đến nay, có hai yếu tố gây gián đoạn lớn đối với nền kinh tế trong khoảng thời gian này. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính trước khi ông Barack Obama nhậm chức và đại dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian ông Donald Trump tại nhiệm.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 khiến người dân nền kinh tế lớn nhất thế giới lo sợ về sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Thời điểm đó, Tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới GM và Chrysler - một công ty ô tô nổi tiếng của Mỹ - tuyên bố phá sản để tái tổ chức. Trong khi đó, thị trường nhà ở rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu chịu tác động trực tiếp hơn. Việc phong tỏa để ngăn sự lây lan của Covid-19, tình trạng chuỗi cung ứng gặp khó gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường lao động.
Nhờ các khoản kích thích kinh tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng thoát khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch, phục hồi mạnh mẽ.
Từ năm 1990 đến nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Mỹ tăng trưởng đều đặn hàng năm, ngoại trừ năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.
Năm ngoái, GDP bình quân đầu người của nước này là hơn 81.000 USD.
GDP bình quân đầu người của Mỹ cao gấp 3 lần so với Trung Quốc và cao gấp 8 lần so với Ấn Độ.
Năm 2023, GDP chung của Mỹ là 27.000 tỷ USD, chiếm 1/4 GDP toàn cầu, giữ cho nước này vẫn ở vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đứng thứ hai với 17,66 nghìn tỷ USD; tiếp theo là Đức và Nhật Bản.
Lạm phát - vấn đề "khó nhằn" với mọi Tổng thống
Kể từ tháng 1/2009, lạm phát tại Mỹ đã tăng mạnh. Khi ông Obama nhậm chức, lạm phát ở mức 0, giảm xuống mức âm.
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ ông Trump, lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới khá im ắng. Khi đại dịch mới xảy ra, lạm phát thậm chí còn giảm thêm. Từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng tổng cộng 7,8%.
Thời ông Biden, lạm phát leo thang chóng mặt. Gần đây, lạm phát xuống thang, nhưng ảnh hưởng tích tụ còn đó. Từ tháng 1/2021 đến tháng 9/2024, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng gần 20%.
Giai đoạn lạm phát cao nói trên dẫn đến chi phí sinh hoạt tăng vọt đối với nhiều người Mỹ.
Giá tiêu dùng tăng và cử tri rất không hài lòng về điều đó. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong năm nay và có thể quyết định cuộc bầu cử ở các tiểu bang. Đây cũng là một trong những điều khó kiểm soát nhất đối với bất kỳ Tổng thống nào của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới chuyên gia nhận thấy, kinh tế vẫn là chủ đề được nhiều cử tri quan tâm trong số các vấn đề được đặt lên “bàn cân” của cuộc bầu cử Mỹ.
Số liệu từ Gall Up cho thấy, có tới 52% cử tri nói rằng vấn đề kinh tế sẽ đóng vai trò quyết định đối với lá phiếu bầu cử của họ vào tháng 11. Hiện nay, phần lớn cử tri đánh giá ông Donald Trump có khả năng xử lý kinh tế tốt hơn so với đối thủ đảng Dân chủ là bà Kamala Harris, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 54% so với 45%.
Cuộc đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump không chỉ quyết định tương lai và con đường nước Mỹ sẽ đi trong 4 năm tới, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến nền chính trị và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra là, liệu nền kinh tế - mối quan tâm lớn của cử tri - có thực sự "quan tâm" ai trở thành Tổng thống?
(theo DW)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2024-nen-kinh-te-co-thuc-su-quan-tam-ai-tro-thanh-tong-thong-290897.html