Các kỳ họp của Quốc hội khóa XV luôn được tổ chức kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
• TINH THẦN CHỦ ĐỘNG VÀ QUYẾT LIỆT
Trước yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, công tác chuẩn bị bầu cử không chỉ là nhiệm vụ chính trị thường niên mà còn gắn liền với các mục tiêu cải cách toàn diện hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hành chính, phát huy vai trò của Nhân dân và đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, kỳ bầu cử tới đây diễn ra trong bối cảnh có nhiều đổi mới quan trọng từ Hiến pháp 2013, các luật tổ chức bộ máy nhà nước đến các quy định về tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đó, công tác chuẩn bị đang được thực hiện toàn diện và đồng bộ, gắn với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, trong đó trọng tâm là nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, sát dân, gần dân. Bên cạnh đó, các quy định nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) cũng được đưa vào phạm vi sửa đổi lần này, với dự kiến chỉ tác động khoảng 8 trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013.
• SÁP NHẬP, TINH GỌN BỘ MÁY - BƯỚC ĐI QUYẾT LIỆT
Cùng với tiến trình sửa đổi Hiến pháp, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính đang được triển khai khẩn trương, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Cụ thể, việc kiện toàn các tổ chức bộ máy cấp xã phải hoàn thành trước ngày 15/8/2025, và các đơn vị hành chính cấp tỉnh phải hoàn tất trước ngày 15/9/2025. Chính phủ sẽ ban hành các hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi được thực hiện thông suốt, không gián đoạn.
Trong lần bầu cử này, Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức, sáp nhập các hội quần chúng về MTTQ Việt Nam nhằm tăng cường vai trò đại diện, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
• CHUẨN BỊ CHU ĐÁO, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ, LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN
Một điểm nhấn quan trọng trong công tác chuẩn bị lần này là việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, dự kiến diễn ra từ ngày 6/5 đến 5/6/2025. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc lấy ý kiến phải thực chất, dân chủ, công khai, minh bạch và có sự tham gia tích cực của người dân tại cộng đồng dân cư theo đúng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình bầu cử - từ quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên đến công bố kết quả - sẽ được tăng cường. Tinh thần xuyên suốt là “bình dân học vụ số”, giúp người dân tiếp cận và thực hiện quyền công dân thuận tiện hơn trong thời đại chuyển đổi số.
• CƠ CẤU, SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU ĐẢM BẢO TÍNH ĐẠI DIỆN, CHẤT LƯỢNG CAO
Về cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XVI, dự kiến sẽ có 500 đại biểu, trong đó ít nhất 40% là đại biểu chuyên trách. Quốc hội cũng đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng: ít nhất 35% ứng cử viên chính thức là phụ nữ, 18% là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) khoảng 10%, đại biểu tái cử chiếm khoảng 30%.
Điểm mới nổi bật là bổ sung cơ cấu đại biểu là các nhà khoa học, những người có trình độ khoa học - công nghệ và được đào tạo bài bản về pháp luật. Đây là yêu cầu gắn liền với thực tiễn đổi mới và kỳ vọng nâng cao chất lượng lập pháp, phản biện, giám sát trong nhiệm kỳ tới.
Tương tự, cơ cấu đại biểu HĐND các cấp cũng có nhiều điểm mới. Việc phân định rõ giữa đại biểu chuyên trách và không chuyên trách tại từng cấp, từ tỉnh đến xã, sẽ được thực hiện linh hoạt và phù hợp với quy mô dân số từng địa phương. Định hướng chung là bảo đảm đại biểu ngoài Đảng không dưới 10%, đại biểu trẻ (dưới 35 tuổi) không dưới 15%, tỷ lệ đại biểu nữ không dưới 35% và có sự đại diện hợp lý của người dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc triển khai các chủ trương sắp xếp bộ máy sẽ tác động đến khoảng 19.220 văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có 1.180 văn bản cấp Trung ương và hơn 18.000 văn bản cấp địa phương. Để đảm bảo tính thống nhất và khả thi, Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi hàng loạt luật liên quan như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật về tổ chức Tòa án, Viện Kiểm sát, luật về tố tụng, xử lý vi phạm hành chính…
Một trong những nội dung trọng yếu là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm”. Điều này đòi hỏi phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp xã, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong thực thi chính sách.
Quốc hội tiếp tục khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Việc chuẩn bị kỳ bầu cử tới đây không chỉ là một bước đi hành chính, mà là minh chứng cho sự trưởng thành về thể chế, sự đồng thuận trong toàn dân và khát vọng phát triển đất nước một cách bền vững, toàn diện trong kỷ nguyên mới.
NGUYỆT THU