Tác phẩm Bầu trời - Trường Đại học của tôi của trung tướng Nguyễn Đức Soát.
Đây là hồi ức, ký sự đậm chất văn của tác giả phi công tiêm kích huyền thoại. Anh hùng Nguyễn Đức Soát bày tỏ tình cảm của ông đối với quê hương nơi sinh thành, những chuyến bay làm nhiệm vụ, những mảnh ký ức sâu đậm về cuộc đời lao động và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cùng những câu chuyện đầy nhân văn về giai đoạn hậu chiến.
Trọn đời với trời xanh
Nếu như tác phẩm Nhật ký phi công tiêm kích của trung tướng Nguyễn Đức Soát ấn hành cách đây 4 năm (năm 2020) đánh dấu lần đầu tiên cuộc sống, hành trình học hành, rèn luyện và chiến đấu, suy nghĩ và tình cảm của một phi công tiêm kích được thể hiện qua những trang nhật ký giai đoạn 1966-1972, thì với tác phẩm thứ nhì Bầu trời - Trường đại học của tôi, tướng Soát kể phần tiếp theo đầy đủ hơn quá trình từ một đại đội trưởng không quân trở thành Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Chính tình yêu quê hương, hạnh phúc gia đình đã là động lực giúp tôi vượt qua mọi gian nan nguy hiểm để có thể gắn bó trọn đời với bầu trời” - trung tướng NGUYỄN ĐỨC SOÁT.
Hồi ức của tướng Soát phản ánh những suy nghĩ, hoài bão khát vọng cống hiến cho Tổ quốc của lớp thanh niên thuở ấy. Ông kể từng nắn nót viết hai chữ “ĐỜI BAY” lên trang đầu cuốn nhật ký của mình trước khi được bay chuyến bay tập đầu tiên trên chiếc máy bay huấn luyện phản lực L-29 tại Trường Không quân Krasnodar (Liên Xô cũ), với “ước muốn mình được bay cả đời, bay đến khi tuổi tác hay sức khỏe không cho phép mình bay được nữa”.
Bạn đọc được đồng hành với vị tướng trong quá trình học lái máy bay “cả đời không hết” vì kỹ thuật không ngừng phát triển, các loại máy bay tiên tiến hơn liên tục xuất hiện. Những trận không chiến trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam được tái hiện đầy hấp dẫn và tự hào. Bên cạnh đó còn là những câu chuyện nghề nghiệp trong thời bình, khi tướng Soát vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trong Lời mở, tác giả Nguyễn Đức Soát nhắc đến cột mốc ngày 3-3-2025 tới là kỷ niệm tròn 60 năm Ngày sinh của Bộ đội Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng (ngày 3-3-1955). Ông khẳng định: “Không quân Nhân dân ta ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đã nhanh chóng trưởng thành và lập được những chiến công thực sự hiển hách, làm nức lòng quân dân cả nước. Đây cũng chính là động lực để lớp học sinh, sinh viên chúng tôi năm đó hăng hái gác lại việc học hành, với khát khao cháy bỏng được bay lên không trung để sát cánh cùng các phi công lớp trước bảo vệ bầu trời Tổ quốc”.
Hạnh phúc thời bình
Trong thời chiến, Nguyễn Đức Soát là một trong những phi công làm chủ những thuật lái phức tạp, sáng tạo nhiều động tác bay kết hợp tài xạ kích đặc biệt để bắn hạ được máy bay đối phương trong những tình huống cực khó.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát từ một phi công trẻ trở thành vị tướng không quân lỗi lạc.
Còn trong thời bình, ông là vị tướng duy nhất khi đã “làm sếp” (cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân) vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường. Những dòng hồi ức của ông vì thế, tràn đầy cảm hứng, niềm say mê lao động, sáng tạo không ngừng xuất phát từ tình nghĩa quê nhà, tình cảm gia đình, tình yêu Tổ quốc lớn lao cùng tâm nguyện bảo vệ bầu trời hòa bình cho đất nước.
Thật kính trọng khi kể lại chuyện “đời bay” của mình song tướng Soát lại dành những trang viết hay nhất để tri ân những vị chỉ huy tài năng và ca ngợi đồng đội. “Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái - tôi tác - giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm” - nhà thơ Hữu Việt nhận xét.
Chọn bầu trời làm trường đại học
Phi công Nguyễn Đức Soát lái được nhiều loại phi cơ tiêm kích khác nhau.
Trong lời giới thiệu sách, nhà thơ Hữu Việt bày tỏ lòng kính phục trung tướng Nguyễn Đức Soát là một người “Trọn đời với trời xanh”. Ông Hữu Việt đánh giá cuốn hồi ức Bầu trời - Trường Đại học của tôi “không chỉ có những trận không chiến ác liệt, chói ngời chiến công của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà còn nhiều câu chuyện về hòa hợp, hòa giải; những công việc tuyệt mật thời hậu chiến bây giờ mới được công bố; những kỷ niệm da diết của một vị tướng không quân với quê hương, cha mẹ và một tình yêu đẹp lạ lùng như có bàn tay sắp đặt của số phận; và về gia đình nhỏ của ông, ba thế hệ sống bên nhau quây quần hạnh phúc”.
“Tướng Soát đã chọn bầu trời làm trường đại học của mình” từ những ngày đầu học bay cách đây gần 60 năm. “Với tướng Soát, bầu trời chính là người thầy giáo nhân từ và nghiêm khắc dạy ông bay, là Tổ quốc để ông xả thân vô điều kiện, bảo vệ và dâng hiến; là tình yêu để ông khao khát gặp gỡ hàng ngày, không bao giờ lìa xa” - nhà thơ Hữu Việt bình phẩm sau khi đọc sách.
Trung Nghĩa