Chùa Pitu Khôsa Răngsây được xem là ngôi chùa đẹp bậc nhất Cần Thơ. Nơi đây đang lưu giữ một "báu vật vô giá" là tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi.
Trụ trì chùa là Thượng tọa Lý Hùng - người có công sưu tầm trên 4.000 quyển sách. Trong số này có 30 quyển sách cổ hàng trăm năm tuổi viết bằng tiếng Pali, tiếng Khmer cổ trên lá và lá buông.
Thượng tọa Lý Hùng rất đam mê sưu tầm sách cổ. Ảnh: T.X
Thượng tọa Lý Hùng cho biết ngay từ khi chùa được thành lập vào năm 1948, ở đây đã có nhiều sách lá buông, sách lá trên 100 năm tuổi ghi lại phong tục, nghi lễ, giáo dục con cháu… Sách viết trên lá được chia làm nhiều nội dung, từ nghi thức, nghi lễ và từng nghi lễ có ý nghĩa thế nào.
Ngoài ra, chùa còn có nhiều bộ sách Tam Tạng kinh, luật, luận... Những sách này giúp các sư nghiên cứu lời dạy của Đức Phật.
Sách cổ viết trên lá bằng ngôn ngữ chính là tiếng Pali cổ, tiếng Khmer cổ. Những vị sư xuất gia khoảng 20 năm trở về sau thì không thể tiếp cận được ngôn ngữ cổ này.
Hầu hết, sách được Ban quản trị, Phật tử lưu giữ qua nhiều đời, sau đó đem dâng cho chùa để bảo tồn.
Thượng tọa Lý Hùng nói: "Sách lá khác với sách lá buông. Loại sách cổ này làm từ rơm, ép lại thành quyển với chiều ngang 15-20cm, dài 60cm. Sách được xếp một bên là tiếng Pali, một bên là tiếng Khmer, chữ được viết bằng bút thép, rất đẹp. Cuốn sách có niên đại lâu nhất tại chùa là trên 100 năm".
Thượng tọa Lý Hùng bên kinh lá buông được viết từ chữ Pali và Khmer cổ. Ảnh: T.X.
Vẫn theo lời kể của Thượng tọa Lý Hùng, một lần, nơi đặt tủ sách cổ trong chùa Khôsa Răngsây xảy ra hỏa hoạn, nhiều vật dụng bị cháy rụi. Tuy nhiên, những quyển sách cổ chỉ bị cháy xém phần bìa gỗ phía ngoài mà hoàn toàn không cháy đến phần lá phía trong.
Điều đó khiến các sư trong chùa đều kinh ngạc và xem là diệu kỳ. Từ đó, tủ sách được xem như báu vật, phải cố gắng giữ gìn.
Kinh lá buông được viết từ chữ Pali và Khmer cổ
Chùa Pitu Khôsa Răngsây còn là nơi lưu giữ văn hóa Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chhay-dăm, múa dân gian Campuchia… Những loại nhạc cụ và các điệu múa này được trình diễn trong các ngày lễ quan trọng như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ hội Ooc Om Boc, lễ Sene Dolta…
Vị trụ trì chăm lo cho cả nghìn sinh viên nghèo thành tài
Thượng tọa Lý Hùng còn được nhiều người biết đến bởi tấm lòng nhân ái. Ông là người xây 2 ký túc xá trong chùa để nhận nuôi, lo chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên nghèo theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ.
Từ năm 1996 đến nay, với sự dìu dắt, cưu mang, giúp đỡ của Thượng tọa Lý Hùng, hơn 1.000 sinh viên đã ra trường, nên danh và lập nghiệp. Rất nhiều người trở thành giám đốc hay học lên thạc sĩ, tiến sĩ, du học ở nước ngoài...
Sinh ra và lớn lên tại TP Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng từng trải qua tuổi thơ cơ cực. Lúc nhỏ, ông làm nhiều việc như lượm ve chai, mò cua, bắt ốc… để có tiền mua sách vở đến trường. Với niềm tin và nỗ lực không ngừng, ông đã vượt lên mọi khó khăn, mang khát vọng “lập thân” giúp đời.
Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Ông luôn tâm niệm “đạo” cũng là “đời”, “đời” cũng như “đạo”, có tính chất song hành. Người tu sĩ phải học đạo để tu đời, sống sao cho “tốt đời, đẹp đạo”.
Những năm tháng xuất gia, Thượng tọa Lý Hùng dành hết tâm trí chuyên tâm vào tu học. Hiện ông là tiến sĩ Tôn giáo học và có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ như Khmer, Anh, Trung Quốc, Bali…
“Trải qua khoảng thời gian nghèo khó, phải làm đủ việc để nuôi con chữ nên tôi miệt mài học tập để có trình độ, kiến thức mà giúp đời, giúp người” - Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Thấu hiểu khó khăn của sinh viên dân tộc Khmer khi lên TP Cần Thơ học đại học, cao đẳng, từ năm 1996, ông bắt đầu giúp đỡ, cưu mang các em.
“Lúc đầu, do điều kiện khó khăn nên chùa chỉ hỗ trợ vài em. Sau này, tôi vận động được kinh phí nên cưu mang hàng chục em, có khi lên đến 60 sinh viên cùng một lúc.
Các em sống trong chùa hoàn toàn miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt... Em nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội, nhà chùa trao tặng học bổng. Các em không có xe thì nhà chùa tặng xe đạp cho đi học.
Các em sinh sống như một thành viên trong chùa. Phụ huynh rất mừng khi thấy con mình có nơi giúp đỡ, bớt được nỗi lo trong cuộc sống” - Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Phần đỉnh ngôi chùa được xem là tàng kinh các, lưu giữ hơn 4.000 quyển sách. Ảnh: T.X.
Thượng tọa Lý Hùng nói thêm, nhà chùa luôn sẵn lòng đón nhận, cung cấp nơi ăn, ở để các em có điều kiện học tập, theo đuổi ước mơ. Tuy vậy, lúc vào ở, các em phải có sự đồng thuận của gia đình để nhà chùa tiện bề dạy dỗ, tuyệt đối không chấp nhận sinh viên có đạo đức kém.
Khi sinh hoạt tại chùa, các em còn được dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc…
“Thanh niên đồng bào dân tộc Khmer khi trưởng thành phải xuất gia vào chùa tu để báo hiếu cha mẹ (thời gian đi tu không cố định, có người đi tu chỉ vài năm, có người đi tu suốt cuộc đời - PV). Tuy nhiên, các em đi học cao đẳng, đại học nên không xuất gia. Bởi vậy, những em sống trong chùa được các sư dạy sinh hoạt, lễ nghi, truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer” - ông nói.
Theo Thượng tọa, đa số sinh viên sống trong chùa sau khi học xong đại học đều thành tài, có công ăn việc làm ổn định.
Hoài Thanh