Bây giờ đôi bờ Bến Hải

Bây giờ đôi bờ Bến Hải
8 giờ trướcBài gốc
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải -Ảnh: HOÀNG TÁO
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt đất nước. Khu vực Vĩnh Linh ở bờ Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng cùng với miền Bắc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam, khu vực Quảng Trị ở bờ Nam sông Bến Hải cùng với miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Vì thế, sông Bến Hải trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền đất nước suốt hơn 20 năm đằng đẵng. Bằng tinh thần yêu nước và sự anh dũng, kiên cường, quân và dân hai bên giới tuyến đã khôn khéo, cương quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải để bám đất, giữ làng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải chính là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Hồi còn sống, bà ngoại tôi kể cho nghe câu chuyện về người vợ có chồng là liệt sĩ thời chống Pháp và người con trai duy nhất đã vượt sông Bến Hải tập kết ra Bắc. Đó là ông ngoại tôi cùng với 3 người em ruột đã tham gia vào cuộc chiến chống thực dân Pháp và lần lượt hy sinh. Căm phẫn về tội ác quân thù đã gây ra cho gia đình, cậu tôi mới 16 tuổi đã trốn nhà vượt tuyến ra Bắc.
Vậy là bà ngoại tôi cứ chiều chiều lại tìm ra bờ Nam cầu Hiền Lương mà mong ngóng người con trai duy nhất của mình. Ngoại tôi là hiện thân của nỗi đau chia cắt, là ý chí can trường của người phụ nữ Việt Nam biết nén lại tình riêng để cùng với bao người mẹ, người vợ khác ở các xã của bờ Nam sông Bến Hải âm thầm nuôi dấu cán bộ, vững chãi, gan dạ trước bao thủ đoạn thâm độc của quân thù, góp của, góp công vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.
Nằm sát bờ Nam sông Bến Hải xã Trung Hải là nơi có rất nhiều bà con thân tích của ngoại tôi đã sống trong sự kìm kẹp hà khắc của chế độ Mỹ-ngụy. Thời kỳ này, Trung Hải là địa bàn mà địch tập trung lực lượng xây dựng phòng tuyến chống cộng đồng thời là “bàn đạp” để đánh phá miền Bắc. Vì vậy, quân và dân xã Trung Hải đã anh dũng đứng lên, vượt qua gian khổ và ác liệt giữ vững niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nuôi tôm sú ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: N.K
Phải nói rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Bến Hải không chỉ khó khăn thiếu thốn về vật chất mà còn phải đối mặt với bao thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Vậy mà, hôm nay sau 50 năm nước nhà thống nhất dọc hai bên sông Bến Hải, làng mạc trù phú, sầm uất là minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất chiến tranh năm xưa. Đặc biệt trong mấy năm trở lại đây các địa phương ở đôi bờ sông Bến Hải thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã nhận được quan tâm đầu tư phát triển.
Trong đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, phục vụ phát triển sản xuất nông-ngư nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Hải, huyện Gio Linh, việc đầu tư nuôi tôm sú, cá nước lợ mang lại nguồn thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Chủ tịch UBND xã Trung Hải Lê Văn Sơn cho biết, diện tích gieo trồng toàn xã đạt hơn 1.600 ha, trong đó chủ yếu là trồng lúa với 785ha, năng suất đạt 60tạ/ha, sản lượng 47.100 tấn/năm. Diện tích còn lại trồng ngô, sắn, lạc, rau màu, cao su, hồ tiêu và nuôi trồng thủy sản với nguồn thu ổn định, giúp người dân ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, hiện nay địa phương đã hoàn thành công tác quy hoạch giai đoạn 2025-2035, qua đó làm cơ sở để xây dựng và phát triển, đặt mục tiêu phấn đấu sớm trở thành xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Phát triển cây hồ tiêu ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: N.K
Ở bên kia bờ Bắc sông Bến Hải, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã luôn anh dũng, kiên trung. Sau ngày đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối, người dân Hiền Thành có thêm động lực để thi đua lao động sản xuất.
Hiện nay, bên cạnh đầu tư, phát triển mạnh các loại cây nông nghiệp như lúa, lạc, ngô, khoai, môn, ném, người dân xã Hiền Thành đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản với diện tích hằng năm lên tới 110ha, trong đó cá nước ngọt gần 40 ha, tôm thẻ 21 ha, tôm sú gần 50 ha. Ngoài ra, còn tập trung đầu tư phát triển hơn 180 ha hồ tiêu, năng suất đạt 30tạ/ha; gần, 350 ha cao su, năng suất mủ 5,5 tấn/ha. Nhờ phát triển đa cây, đa con nên người dân có nguồn thu nhập cao và ổn định, những năm qua, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây đã được nâng cao.
Nhờ kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ở đôi bờ sông Bến Hải đã được cải thiện đáng kể. Nhà cửa được xây dựng khang trang, đường giao thông đã được bê tông hóa vững chãi, các công trình công cộng như công viên đã được xây dựng từ nguồn xã hội hóa đã tạo ra diện mạo làng quê văn minh, hiện đại. Một sự đổi thay đáng kể của vùng đất lịch sử nằm ở đôi bờ sông Bến Hải sau 50 năm dựng xây.
Hồ Nguyên Kha
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/bay-gio-doi-bo-ben-hai-nbsp-193362.htm