Thạch Hãn chảy mãi khúc khải hoàn ca

Thạch Hãn chảy mãi khúc khải hoàn ca
5 giờ trướcBài gốc
Biểu tượng Chiến thắng tại bờ bắc sông Thạch Hãn, nơi 2.300 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày được trao trả theo một điều khoản Hiệp định Paris 1973
Nước non ngàn dặm và tình sử Huyền Trân
Ngược dòng lịch sử, sông Thạch Hãn ngày nay chính là biên giới phía Nam giữa nước Đại Việt với vương quốc Champa xưa (*).
Vào thời Nhà Trần (1225 - 1400), bờ cõi phương Bắc và phương Nam Đại Việt thường bị ngoại bang quấy nhiễu. Bấy giờ, Nhà Trần có đội quân rất hùng mạnh, đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược trong khoảng thời gian 30 năm từ 1258 - 1287. Lo sợ bị Đại Việt thôn tính hoặc làm ngơ cho quân Nguyên - Mông mượn đường tấn công, Vương quốc Champa nhiều lần cử sứ thần sang Đại Việt, bày tỏ mong muốn có mối bang giao hòa hiếu giữa hai dân tộc. Nhà Trần giữ thái độ ngoại giao mềm dẻo để tập trung xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị, phát triển giao thương, gìn giữ bờ cõi, sát cánh cùng Champa trước mối đe dọa của quân Nguyên - Mông ở phương Bắc.
Cầu Thành Cổ bắc qua sông Thạch Hãn xây dựng năm 2016. Ảnh: Văn Hậu
Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời Yên Tử thăm vương quốc Champa theo lời mời của vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III). Là một vị vua đa tình, biết nhà Trần có công chúa Huyền Trân trẻ trung, tài sắc vẹn toàn, Quốc vương Chế Mân ngỏ lời cầu hôn, xin “làm rể” nước Đại Việt. Ông đã cắt vùng đất thuộc hai châu Ô và Lý (từ Nam sông Thạch Hãn đến bắc Quảng Nam ngày nay) rộng hơn ngàn dặm vuông cùng nhiều lễ vật dâng cho Đại Việt làm sính lễ cầu hôn. Thượng hoàng Trần Nhân Tông xét thấy nếu cuộc hôn nhân thành thì có lợi cho giang sơn, tạo mối lương duyên giữa hai dân tộc nên đã đồng ý, hứa gả công chúa.
Sau bao nhiêu trắc trở, cuộc tình nợ duyên Huyền Trân - Chế Mân đến năm 1306 mới được hai triều đình đồng thuận. Công chúa Huyền Trân tuân lệnh vua cha, vì “nước non ngàn dặm” mà quên tình riêng, ngậm ngùi gạt nước mắt ra đi, thân gái dặm trường về nơi xứ người xa lạ, lưu truyền tiếng thơm cho đời sau.
Quốc vương Chế Mân phong trần, dũng mãnh trên lưng ngựa đích thân ra tận vùng biên thùy rước công chúa Huyền Trân về cung, cử hành hôn lễ long trọng và phong làm Hoàng hậu Paramecvari.
Quan quân triều đình Đại Việt tiễn đưa công chúa, vượt sông Thạch Hãn, tiếp quản châu Ô, châu Lý, xác lập chủ quyền giang sơn Đại Việt. Năm 1307, Nhà Trần đổi tên hai châu Ô, Lý thành châu Thuận, châu Hóa. Từ đó, dòng Thạch Hãn chảy vào lịch sử mở cõi của dân tộc, cuộc mở cõi không tốn binh đao nhưng đẫm lệ Huyền Trân Công Chúa một thuở khi về với Chế Mân.
Người dân Thuận, Hóa xưa khắc ghi công lao của bà qua bài ca điệu Nam Bình:
“Nước non nghìn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô - Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì.
Cái lương duyên hay là nợ duyên gì
...
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần…!”
Đền thờ Huyền Trân Công Chúa ngày nay tại làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), bên bờ sông Hiếu - một nhánh của sông Thạch Hãn. Tại thành phố Huế, đền thờ bà ở phường An Tây - còn gọi là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân.
Nối vòng tay lớn
“Chẳng thơm cũng thể hương đàn
Chẳng trong cũng nước Nguồn Hàn chảy ra”.
Tương truyền, sông Thạch Hãn còn có tên dân gian khác là Nguồn Hàn - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vỹ, len lỏi qua nhiều thác ghềnh, đá núi, chắt lọc dòng nước trong như chưng cất, thơm như cây gỗ đàn hương, chảy êm đềm cùng lời ru ngọt ngào của mẹ, nuôi dưỡng tâm hồn chân chất, nghĩa tình của con người nơi đây.
Đua thuyền trên sông Thạch Hãn - Ảnh Tạp chí Cửa Việt
Thạch Hãn cùng với Bến Hải là hai dòng sông giữa đòn gánh miền Trung nặng tình hai đầu đất nước. Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, Hiệp định Geneve ngày 20.7.1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương được ký kết đã lấy sông Bến Hải làm giới tuyến tạm thời chờ đến ngày thống nhất đất nước. Các bên tham gia Hội nghị tuyên bố rằng: "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ". Nhưng Mỹ là thành viên Hội nghị Geneve đã bội ước, xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới; dòng Bến Hải trở thành nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc đằng đẵng suốt 20 năm trời.
Cả dân tộc Việt Nam cháy bỏng khát vọng thống nhất non sông đã đứng lên với cuộc kháng chiến thần kỳ, lập nên những chiến công vang dội trên chiến trường và trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ và chính quyền tay sai phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Lúc này, 85% diện tích tỉnh Quảng Trị được giải phóng, Bến Hải đã nối đôi bờ nhưng Thạch Hãn quặn thắt thành giới tuyến; bờ Bắc là vùng giải phóng, còn bờ Nam vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền ngụy Sài Gòn. Dòng sông được lịch sử giao sứ mệnh thiêng liêng gánh vác sơn hà, xã tắc, thành giới tuyến quân sự tạm thời; cũng là nơi được chọn để trao trả tù binh chiến tranh theo một điều khoản của Hiệp định Paris.
Quyết không để nỗi đau 20 năm lặp lại; bằng ý chí kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng, chỉ 2 năm sau, ngày 19.3.1975, vùng đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng, đôi bờ Thạch Hãn nối liền, hòa cùng chiến thắng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc “Nối vòng tay lớn”, ca khúc khải hoàn trong niềm vui Bắc - Nam sum họp một nhà.
Đôi bờ hạnh phúc
Bước qua chiến tranh, người dân đôi bờ Thạch Hãn vẫn phải vật lộn với nạn hạn hán, mất mùa liên miên; những người con châu Thuận, châu Hóa xưa không chịu đứng nhìn dòng sông xanh cứ vô tư mà chảy mãi qua sự nghèo khó của miền đất gió Lào, cát trắng. Ý tưởng “thay trời làm mưa”, đưa dòng nước ngọt mát Nguồn Hàn giải cơn khát cho những cánh đồng khô cằn, quanh năm chỉ canh tác một vụ bắt đầu được những người đại biểu của nhân dân nhen nhóm.
Biến ước mơ thành hiện thực, đầu năm 1978, HĐND tỉnh Bình - Trị - Thiên bấy giờ thông qua Nghị quyết khởi công xây dựng Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (còn gọi là đập Trấm) ngăn nước dòng sông Thạch Hãn. Đó là một quyết định sáng suốt, đầy bản lĩnh lúc bấy giờ. Bởi vì, thời đó sau chiến tranh, phương tiện thi công cơ giới rất ít, chủ yếu là lao động thủ công, bằng sức người. Hơn 2,3 vạn nhân công được huy động cho công trình với ý chí “Bắt sông uốn khúc, buộc núi cúi đầu”.
Công trình hoàn thành sau 3 năm, đưa dòng nước mát về tưới cho một vùng quê rộng lớn, biến hàng vạn héc ta đất ruộng cằn cỗi, hạn hán thành những cánh đồng trù phú, năng suất tăng cao, canh tác nhiều vụ trong năm nước Nguồn Hàn chảy đến đâu mang theo đến đó sức sống mới, niềm hạnh phúc mới và những mùa lúa vàng ấm no cho những vùng quê thanh bình.
Kỳ vọng với hàng trăm tỷ đồng cho dự án kè bờ sông Thạch Hãn sẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch - dịch vụ của địa phương - Ảnh khu vực Bến đò Như Lệ xưa
Ngày nay, du khách có thể men theo con đường dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn nằm giữa cầu Ga và cầu Thành Cổ (thuộc làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng) đến bến sông mà 52 năm trước, vào tháng 3.1973, ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và 2.300 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được trao trả theo Hiệp định Paris. Tỉnh Quảng Trị đã cho đặt biểu tượng và văn bia ghi dấu sự kiện lịch sử của dân tộc tại bến sông này.
Tác giả tại bờ bắc bến sông Thạch Hãn - Nơi từng diễn ra các đợt trao trả tù binh chiến tranh theo một điều khoản Hiệp định Paris 1973
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần thăm lại bến sông xưa nơi mình trở về từ lao tù, đã xúc động kể lại: lúc chiếc ca nô trao trả các chiến sĩ ta qua quá nửa con sông thì chúng tôi nhảy ào xuống nước bơi vào bờ. Trên bờ Bắc, các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ cũng nhảy xuống sông dìu chúng tôi lên bờ giữa rừng cờ đỏ sao vàng và cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
50 năm dòng Thạch Hãn chảy mãi với khúc khải hoàn ca non sông liền một dải, đôi bờ đang ngời lên màu xanh hạnh phúc, ấm no. Thạch Hãn làm sao quên trong dòng chảy lịch sử dân tộc và trong trái tim những con người từng uống nước Nguồn Hàn.
(*). Lịch sử Việt Nam, Tập 2, Viện Sử học, Trần Thị Vinh (chủ biên) - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013. Tr.407 - 437.
Nguyễn Vân Hậu
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/thach-han-chay-mai-khuc-khai-hoan-ca-post411878.html