1.
Người từng đi suốt "Ba mươi năm ấy chân không nghỉ" (1911 - 1941) để tìm đường cứu nước, khai mở hành trình giải phóng dân tộc, độc lập và thống nhất non sông. Người cùng Trung ương Đảng ra sức chuẩn bị và nắm bắt thời cơ để "dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được tự do, độc lập", rồi cùng toàn dân "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" những ngày Tháng Tám năm 1945.
Ngay sau đó, đầu tiên là Sài Gòn - Gia Định và toàn Nam Bộ đã đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được; khẩu hiệu "Độc lập hay là chết" đã hiện thực hóa lời thề độc lập trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2-9-1945: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập".
Vậy nên, trưa 30-4-1975, khi lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cả nước cất lên "Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta!/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép; Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa" (Toàn thắng về ta). Tâm nguyện "Trăm sông về lại biển Đông/ Bắc Nam sẽ lại về trong một nhà" đã trở thành hiện thực, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Lời báo công ấy gợi nhớ mỗi lần Bác vui đón "Ấy tin thắng trận Liên khu báo về" (Tin thắng trận, 1948), hay khi Người "Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao" (Không đề, 1968).
Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: "Một buổi sáng mùa thu năm 1969, Lưu Cầu cùng đoàn cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam đến Quảng trường Ba Đình tiễn biệt Bác Hồ. Trong niềm thương tiếc vô hạn, Lưu Cầu như nghe văng vẳng đâu đây câu nói tâm huyết của Bác ngày nào: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
Câu nói chí tình từ lâu làm rung động trái tim những người con Nam Bộ tập kết, giờ đây trở thành niềm cảm xúc mãnh liệt và Lưu Cầu viết thành lời ca: "Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn/ Miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người".
Ca khúc "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" của nhạc sĩ Lưu Cầu là lời tâm niệm - tiếng lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. Lời ca tha thiết và day dứt:
"Hai tiếng "miền Nam" luôn trong tim của Người
Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi.
…
Mây trắng Trường Sơn quanh năm thương nhớ Người.
Sóng nước Cửu Long không phút giây nào nguôi niềm thương nhớ Bác đến muôn đời".
Công viên Tượng đài Hồ Chí Minh, tại trung tâm quận 1, TP HCM hiện nayẢnh: TẤN THẠNH
2.
Tháng 9-1954, Bác nói với bộ đội và cán bộ miền Nam tập kết: "Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta".
Người nói rõ: "Nguyện vọng tha thiết và ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình. Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam". Sau đó Bác nhiều lần nói "Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi".
Không phút giây nào Bác không nghĩ đến đồng bào miền Nam. Năm 1963, nghe tin được tặng Huân chương Sao Vàng, Bác nói với Quốc hội: "Chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho tôi huân chương cao quý này. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng".
Bác mong "Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng" và Người "có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ" (Di chúc).
Nung nấu ý muốn cháy bỏng đi thăm miền Nam, tháng 3-1968, Bác viết "Thư gửi đồng chí Lê Duẩn" đề nghị "hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Nhưng nay chỉ đổi chữ "sau" thành chữ trước". Người thuyết phục: "Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho Bác đi bộ, các chú đi được thì Bác đi được" và Người tự rèn luyện sức khỏe, tích cực đi bộ, tập leo núi để chuẩn bị cho chuyến đi với hy vọng có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.
Cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc đều được vào nhà sàn ăn cơm với Bác Hồ. Người dặn xúc cơm cho thật đầy bát và ăn cho hết thức ăn; riêng Bác cũng cố gắng ăn hai bát cơm để mọi người tin rằng Bác vẫn khỏe để đồng bào miền Nam yên tâm.
Còn nhớ, khi chuẩn bị Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào (tháng 7-1945), Người đề nghị bằng mọi cách phải mời đại biểu Nam Bộ và Nam Trung Bộ ra tham gia. Khi đất nước vừa giành được độc lập, Người tâm sự: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên" (1946).
Khi đất nước bị chia cắt, Người chỉ rõ: "Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã thắng lợi, kháng chiến đã thành công. Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước nhà nhất định thống nhất" (Thư gửi đồng bào cả nước, 1956).
Khi cả nước có chiến tranh, Người khẳng định quả quyết "nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!" (Lời kêu gọi ngày 17-7-1966).
3.
Thực hiện ý chí, quyết tâm sắt đá ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Nam từ phong trào Đồng Khởi (1960) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đã giáng những đòn sấm sét vào các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai, sau đó giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đàm phán với Việt Nam ở Paris.
Bác Hồ vui với "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà" và mong muốn "Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta" (1968). Người phác họa quá trình kết thúc cuộc chiến "Vì độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" để đi đến "Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn" (1969).
Với niềm tin mãnh liệt, Người tiên liệu: "Phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà" (Di chúc). Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn ý nguyện của Người, dâng lên Người những đóa hoa tươi đẹp nhất của ngày toàn thắng 30-4-1975.
50 năm hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải, cả nước đang hát mãi lời ơn Người: "Cùng với non cao vang tiếng trầm hùng biển rộng bao la đêm ngày vang câu ca/ Muôn trái tim thề xin nhớ ơn Người, làm theo lời của Người" (Miền Nam nhớ mãi ơn Người).
Lời Người dạy ở chân núi Nghĩa Lĩnh năm xưa (1954) "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" vẫn đang hiện hữu trong cơ đồ, tiềm lực, vị thế nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập.
Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, giữ "dáng thẳng như chàng trai làng Gióng" để vỗ "ngựa sắt" thần thoại, đem theo cả bản sắc Việt Nam cất cánh bay lên.
PGS-TS Hà Minh Hồng (Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP HCM)