Lực lượng Công an nhân dân vũ trang trong những ngày đầu giải phóng miền Nam

Lực lượng Công an nhân dân vũ trang trong những ngày đầu giải phóng miền Nam
6 giờ trướcBài gốc
Cựu chiến binh Trần Hồng Hải với ký ức vào miền Nam năm 1975. Ảnh: Văn Chương
Báo Công an nhân dân vũ trang số báo Xuân năm đó đã in 4 câu thơ chúc Tết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trên đầu măng sét của tờ báo: “Toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng/Miền Nam anh dũng đấu tranh thu nhiều thắng lợi...”.
Cố nhà báo Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang từng kể lại, Tết Ất Mão năm 1975 là một mùa Xuân khá đặc biệt, bởi năm đó, các đồng chí là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua thuộc lực lượng An ninh miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra Hà Nội và đến thăm Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
Trong số báo Xuân Ất Mão năm 1975, Báo Công an nhân dân vũ trang đăng tải hình ảnh những gương mặt điển hình của lực lượng vũ trang miền Nam đã đến thăm Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, giao lưu với Đoàn Tân Trào, Trường Sĩ quan Biên phòng và Tiểu đoàn 15. Tại Đoàn Tân Trào, Đại úy Nguyễn Văn Lợi, Chính ủy đơn vị đã chia sẻ cảm tưởng: “Các đồng chí đã mang đến cho chúng tôi tình cảm của tiền tuyến lớn đối với hậu phương. Đoàn Tân Trào xin hứa sẽ bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não của Đảng”.
Mùa Xuân năm 1975, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang cũng đang phát động thi đua giành 3 đỉnh cao (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều) và an toàn tuyệt đối. Các chi đoàn thanh niên tổ chức phong trào thi đua “3 biết”: Biết người, biết phương tiện, biết đặc điểm. Nhiều cá nhân trong ngành hậu cần được biểu dương, điển hình như đồng chí Phùng Đức Việt, lái chiếc xe mang biển số FB1660 của Rumani, mỗi năm tiết kiệm cho đơn vị hơn 100 lít xăng, được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đến đầu tháng 4/1975, trước tình hình chiến trường miền Nam liên tục thắng lợi, nhà báo Đào Nguyên Bảo đã làm một bài thơ và nhắc đến những bước chân của Quân Giải phóng sẽ in khắp mọi miền: “Từ Tây Nguyên ta đi/Huế - Quảng Nam - Bình Định/Phú Yên rồi Nha Trang/Phấp phới cờ chiến thắng...”.
Thời điểm đó, tại tỉnh Lạng Sơn - địa phương kết nghĩa với tỉnh Đắk Lắk, đã tổ chức mít tinh tại ga Đồng Đăng và nhiều chiến sĩ xin đăng ký vào chiến trường miền Nam. Tại địa bàn thành phố Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, lực lượng An ninh vũ trang miền Nam đã chiếm lĩnh khám Chí Hòa và cho biết, có tổng số 6.275 người bị giam giữ. Tại Bộ Tư lệnh Tổng nha cảnh sát ngụy nằm ở đầu đường Võ Tánh, các chiến sĩ An ninh vũ trang đã hỗ trợ sắp xếp lại hàng ngàn chiếc xe Jeep, tài liệu, hồ sơ.
Cựu chiến binh Trần Hồng Hải, nguyên cán bộ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An, được tăng cường vào miền Nam, kể về nhiều hồi ức khó quên. Sau ngày 30/4/1975, lực lượng Công an nhân dân vũ trang ở miền Bắc được tăng cường vào chốt giữ tại các sân bay, bến cảng. Một sự kiện được các tờ báo đề cập là chiếc tàu Cere Bol Lade của Cuba đã chở hàng viện trợ sang và cập cầu cảng Khánh Hội của thành phố Sài Gòn, các thủy thủ mang theo lời chúc mừng nhân dân Việt Nam chiến thắng.
Các chiến sĩ An ninh miền Nam tiếp quản cơ quan của địch sau ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Tại cảng Sài Gòn, Giang đoàn 500 của ngụy bỏ lại hàng trăm chiếc ô tô, nằm dày đặc trên bến cảng. Dưới bến sông là 40 chiếc tàu rất hiện đại. Có 16 sĩ quan ngụy tình nguyện hợp tác với cách mạng để hướng dẫn cách sử dụng. Đầu tháng 5/1975, có một chiếc tàu lạ xuất hiện và cập vào bến cảng Sài Gòn. Người lái tàu là một sĩ quan hàng hải của ngụy tên là Lê Quốc Hương đã đưa chiếc tàu Hữu Nghị từ Singapore trở về Sài Gòn để bàn giao lại cho cách mạng. Viên sĩ quan này cho biết, tàu Hữu Nghị được đóng tại Hà Lan, chuyên làm nhiệm vụ thăm dò, nghiên cứu biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đây là một trong hai chiếc tàu hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Ngay sau đó, ngành thủy sản từ miền Bắc đã vào tiếp nhận vì hai chiếc tàu Hữu Nghị vốn đã nổi tiếng từ nhiều năm nay. Viên sĩ quan Lê Quốc Hương cho biết, khi tổ chức di tản khỏi Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, ông đã đưa cả gia đình đi, nhưng thấy cảnh hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau nên quyết định đưa gia đình trở về Việt Nam. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã tặng gia đình ông Hương một số lương thực để ổn định cuộc sống.
Cựu chiến binh Trần Hồng Hải cho biết, các chiến sĩ thường xuyên đọc Báo Công an nhân dân vũ trang và dõi theo tình hình chiến thắng miền Nam. Khi được tăng cường vào miền Nam, ông được biên chế vào đội vệ binh đóng tại Quảng Ngãi. Công việc của đơn vị là khi nhận được thông báo có đoàn công tác quan trọng đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì đội vệ binh tới điểm giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng với Quảng Ngãi để đón và bảo vệ cho đến điểm giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Những người lính Công an nhân dân vũ trang khi vào miền Nam phải nỗ lực chống lại nạn cướp bóc của các đối tượng. Đồn Công an nhân dân vũ trang 73 đóng tại tỉnh Tây Ninh đã hàng chục lần bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo. Đối tượng Lê Đình Cảnh giả làm bộ đội, xưng là Lê Đình Tĩnh, Đồn trưởng Đồn Công an nhân dân vũ trang 73 vận động nhân dân đóng tiền để xây dựng doanh trại. Đối tượng này đã lừa bà con, lấy 1 triệu đồng rồi bỏ trốn.
Nhà báo Duy Tân, khi vào thành phố Đà Nẵng ngày giải phóng, đã viết khá chi tiết về một buổi văn nghệ được các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang tổ chức ngay trên bãi biển. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm sáng tác bài “Hòa Hải quê ta”, nội dung ca ngợi tinh thần dũng cảm của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, được bà con đón nhận rất nhiệt tình.
Lê Văn Chương
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/luc-luong-cong-an-nhan-dan-vu-trang-trong-nhung-ngay-dau-giai-phong-mien-nam-post489467.html