Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận phát biểu tại lễ bế giảng.
Dự bế giảng có bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu - Giám đốc Học viện Tư pháp.
Lớp đào tạo nghề công chứng khóa 26 năm 2023, có 37/46 học viên đăng ký tham gia học tốt nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu phát biểu.
Đây là lớp thứ 3 do Sở Tư pháp phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức, khai giảng từ tháng 11/2023, theo tinh thần Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 của UBND tỉnh nhằm phát triển số lượng công chứng viên và nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề công chứng tỉnh nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu phát chứng nhận tốt nghiệp cho học viên.
Qua lớp học, học viên sẽ được trang bị kỹ năng, kiến thức chung về nghề công chứng; công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho, thuê, trao đổi, mượn, vay tài sản và các văn bản liên quan hôn nhân gia đình, thừa kế…
Phát biểu tại lễ bế giảng, bà Phạm Thị Minh Hiếu mong muốn các học viên sau khi tốt nghiệp, vận dụng kiến thức đã học cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất, phục vụ cho người dân. Bảo đảm an toàn pháp lý các hợp đồng, giao dịch dân sự, chuyển nhượng…bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư tại tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu và bà Bà Phạm Thị Minh Hiếu cùng các thầy, cô chụp ảnh lưu niệm.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu - Giám đốc Học viện Tư pháp cũng mong các học viên phát huy tinh thần chủ động nghiên cứu, học tập để nâng cao kiến thức nghề nghiệp của mình. Vì theo ông Thu, nội dung chương trình học tại khóa học này là học theo Luật Công chứng 2014. Trong khi, Luật Công chứng 2024 có hiệu lực 1/7/2025 giữa bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo Nghị quyết 18. Theo đó sẽ có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, các học viên cần phải theo dõi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên, xử lý tốt các vấn đề trong quá trình hành nghề.
NINH CHINH