Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV

Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV
2 ngày trướcBài gốc
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tham dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Như Ý
Dự phiên bế mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phiên bế mạc kỳ họp có sự tham dự của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự phiên bế mạc kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa thành pháp luật; cùng với tinh thần hết sức cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật và nhiều nghị quyết gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Đồng thời, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Như Ý
Kỳ họp bất thường lần thứ chín đã thành công tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được thông qua tại kỳ họp với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm. Đề nghị Chính phủ nỗ lực cao nhất để xây dựng các kế hoạch, các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong các luật và các nghị quyết của Quốc hội; các cơ quan khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp bộ máy cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, mà không thể xử lý theo nguyên tắc chung để ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động chuẩn bị tốt nhất các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV tới đây.
“Quốc hội tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2025 và những năm tiếp theo, đáp ứng niềm tin, hy vọng của cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên bế mạc họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Điều chỉnh quy mô GDP năm 2025 đạt trên 500 tỷ USD
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Mục tiêu tổng quát được Nghị quyết đề ra là củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Nghị quyết cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ đô la Mỹ (USD); GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, về hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết quy định việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ; Khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
Về hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết quy định việc sử dụng ngân sách trung ương triển khai các nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số; Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G; Chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư; Thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp; Hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về việc thực hiện Nghị quyết này.
Mai Hữu
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/be-mac-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xv-693565.html