Các dự án, sân chơi điện ảnh chuyên nghiệp giúp mang đến cơ hội cho các nhà làm phim trẻ
Dự án phim ngắn CJ mùa 6 và LHP Sinh viên Quốc tế ISMA 2025 đang mở ra cánh cửa cơ hội, nơi những ý tưởng sáng tạo được đánh thức, những giấc mơ điện ảnh được nuôi dưỡng và thế hệ đạo diễn mới được tiếp lửa để định hình dấu ấn Việt Nam trên bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Mở rộng cơ hội, phát hiện tài năng
Dự án phim ngắn CJ mùa 6 vừa chính thức khởi động, nhận hồ sơ đăng ký đến 20.7.2025. Đây là chương trình do CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam phối hợp tổ chức, hỗ trợ kinh phí 1,5 tỉ đồng cho 5 dự án phim ngắn xuất sắc nhất. Ngoài ra, các dự án được hỗ trợ thiết bị, hậu kỳ bởi nhà tài trợ HK Film và Pixelsgarden; được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu của Học viện Điện ảnh Hàn Quốc (KAFA) về tổ chức sản xuất, đạo diễn, dựng phim…
Điểm mới nổi bật của mùa này là sự xuất hiện của đạo diễn Phạm Ngọc Lân trong vai trò “cố vấn đồng hành”. Anh là gương mặt nổi bật bước ra từ mùa 1 của Dự án, từng đoạt giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin 2024 với tác phẩm Cu Li không bao giờ khóc. Hội đồng thẩm định tiếp tục là những tên tuổi chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực chiến như đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc...
Ông Ko Jae Soo, Tổng Giám đốc CJ CGV Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn nhìn thấy những câu chuyện mới, những góc nhìn độc đáo từ thế hệ đạo diễn trẻ. Mục tiêu của dự án không chỉ dừng ở việc hỗ trợ kinh phí mà còn đồng hành lâu dài, tạo điều kiện cho các bạn tự tin vươn ra quốc tế”.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh: “Qua nhiều năm, chúng tôi đã được xem nhiều phim ngắn xuất sắc ra đời từ Dự án phim ngắn CJ. Đây là sân chơi quan trọng để các bạn trẻ thể hiện sáng tạo, trau dồi kỹ năng và tìm kiếm cơ hội hội nhập”.
Khởi xướng từ năm 2018, CJ đã trở thành thương hiệu uy tín, được cộng đồng làm phim trẻ Việt Nam chờ đón mỗi năm. Qua 5 mùa, nhiều tác phẩm không chỉ được đánh giá cao trong nước mà còn gặt hái thành công tại hơn 60 LHP quốc tế danh giá như LHP Cannes, Berlin, Venice, Locarno…
Dự án hướng đến đối tượng tham gia là công dân Việt Nam từ 18-40 tuổi, đặc biệt là những bạn trẻ có đam mê làm phim và đang tìm kiếm cơ hội biến ý tưởng kịch bản thành phim hoàn chỉnh. Để tham gia CJ mùa 6, thí sinh cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đăng ký, đề cương chi tiết không quá 5 trang A4 (cho bộ phim tối đa 30 phút), kế hoạch sản xuất và ít nhất một phim ngắn hoặc phim dài đã thực hiện trong vòng 3 năm gần đây.
Hồ sơ có thể nộp qua email info@duanphimngancj.com hoặc website https://duanphimngancj.cgv. vn. Sau vòng sơ tuyển, 10 dự án xuất sắc nhất sẽ bước vào vòng thuyết trình dự kiến diễn ra vào ngày 6.8.
Phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”, top 5 Dự án phim ngắn CJ 2018
Không gian kết nối sáng tạo toàn cầu
Bên cạnh Dự án phim ngắn CJ, LHP Sinh viên Quốc tế ISMA 2025 cũng tạo dấu ấn đặc biệt. Được tổ chức từ tháng 2 - 7.2025 tại Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM, ISMA 2025 quy tụ gần 100 trường đại học đến từ 15 quốc gia, trở thành diễn đàn giao lưu nghệ thuật, truyền thông và sáng tạo lớn nhất dành cho sinh viên.
ISMA được thành lập tại Thanh Đảo (Trung Quốc) vào năm 2017, đã tổ chức tại nhiều quốc gia như Malaysia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Năm nay, kỳ LHP lần 6 sẽ được tổ chức tại TP.HCM, Việt Nam, quy tụ sự tham gia của các trường đại học nổi tiếng. LHP gồm ba nhóm hoạt động chính (diễn ra từ 25 - 29.7), nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa sinh viên và chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật.
Thứ nhất, Cuộc thi Nghệ thuật truyền thông diễn ra trực tuyến, mở rộng cho sinh viên từ các trường đại học trên thế giới. Thứ hai, 72-Hour Workshop là hoạt động thực tế diễn ra tại TP.HCM, trong đó sinh viên được phân thành 20 đội để tham gia một cuộc thi làm phim kéo dài 72 giờ.Các đội sẽ thực hiện phim với các chủ đề xoay quanh “Con người - Dòng sông - Môi trường”.
Cuối cùng, Diễn đàn học thuật dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục thiết kế, quy tụ các giáo sư, học giả để thảo luận về xu hướng truyền thông trong tương lai.
ISMA 2025 khuyến khích sinh viên khám phá các mối liên kết con người, thiên nhiên và xã hội qua 4 hạng mục chính: Phim ngắn, Nghệ thuật hoạt hình, Nghệ thuật tương tác, Tự sự bằng trí tuệ nhân tạo. Mỗi hạng mục sẽ khai thác những góc nhìn mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và xã hội hiện đại.
Tại sự kiện này, sinh viên có cơ hội so sánh kỹ năng với bạn bè quốc tế và tiếp cận những xu hướng công nghệ làm phim mới nhất. Hoạt động trải nghiệm thành phố kéo dài 72 giờ cũng sẽ là cơ hội để sinh viên học hỏi, phát triển kỹ năng, thúc đẩy mạng lưới và giao lưu kiến thức giữa sinh viên, chuyên gia và nhà nghiên cứu trong ngành.
Khẳng định bản sắc, hội nhập quốc tế
Nhìn lại hành trình phát triển, có thể thấy các Dự án CJ và ISMA 2025 không chỉ là sân chơi sáng tạo, mà còn là môi trường đào tạo, kết nối và thử thách cho thế hệ trẻ. Các chương trình đã góp phần phát hiện nhiều gương mặt đạo diễn tiềm năng, giúp họ có thêm cơ hội tiếp cận nền điện ảnh thế giới, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam qua từng khung hình. Những sự kiện này càng khích lệ tinh thần sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng nền điện ảnh, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Qua các năm, Dự án phim ngắn CJ không ngừng mở rộng sự hỗ trợ toàn diện với mục tiêu tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà làm phim có cơ hội thực hiện phim ngắn của mình.
Với chủ đề “Mở rộng khung hình, vươn mình rực rỡ”, CJ mong muốn tạo động lực cho thế hệ đạo diễn mới tự tin theo đuổi con đường sáng tạo. “Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi vô cùng tự hào khi chứng kiến nhiều đạo diễn trẻ bước ra từ Dự án phim ngắn CJ đạt được những thành tích vang dội tại nhiều LHP quốc tế uy tín”, ông Ko Jae Soo chia sẻ thêm.
Ngành điện ảnh Việt Nam hiện vẫn rất cần thêm nhiều sân chơi và chương trình nuôi dưỡng, hỗ trợ thế hệ đạo diễn trẻ. Dự án phim ngắn CJ hay ISMA chính là bước đệm vững chắc giúp những nhà làm phim thế hệ mới tự tin thể hiện bản sắc và ghi dấu ấn trên trường quốc tế.
THÙY TRANG