Chiều 10.1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa cứu sống một bé sơ sinh cân nặng 2,6kg bị teo gián đoạn thực quản khoảng cách rất dài.
Hình ảnh X-quang cho thấy bệnh nhi bị teo thực quản gián đoạn rất dài - Ảnh: BVCC
Theo thông tin ban đầu, khi thai nhi 31 tuần tuổi được siêu âm tiền sản, các bác sĩ đã phát hiện hiện tượng đa ối. Sản phụ đã sinh lúc thai 40 tuần tuổi, tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi sinh, bác sĩ phát hiện trẻ có những hiện tượng như sùi bọt cua ở miệng do gián đoạn thực quản không lưu thông được nước bọt; hô hấp khó khăn, đặt thông dạ dày thám sát bị vướng, X quang gợi ý nghi ngờ teo thực quản. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị.
BSCK2 Vương Minh Chiều – Khoa Ngoại tổng hợp cho biết, ê kíp đã quyết định tiến hành kỹ thuật nội soi tiên tiến ít xâm lấn tái tạo đoạn thực quản khiếm khuyết, giúp bé có một thực quản mới hầu như hoàn toàn bình thường, có tính lưu thông thức ăn và nước ổn định.
“Sau mổ em bé hồi phục tốt và xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt, ăn uống hầu như bình thường”, bác sĩ Chiều cho biết thêm.
Theo bác sĩ Chiều, teo thực quản là một dị tật bẩm sinh hay gặp và tương đối phức tạp ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê tại các trung tâm nhi khoa trong nước và thế giới, dị tật này xảy ra ở khoảng 1/4.500 trường hợp trẻ sinh sống với khoảng 60% là bé trai. Teo thực quản còn thường kèm theo các dị tật khác, đặc biệt là dị tật tim và hệ tiêu hóa.
Biểu hiện chung của teo thực quản là sau sinh trẻ có sùi bọt cua, bú sặc, khó thở, tím tái và đặt thông dạ dày vướng. Một số trường hợp teo thực quản có thể được phát hiện trước sinh bằng siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), đặc biệt phải nghi ngờ thai nhi bị teo thực quản ở các thai phụ có tình trạng đa ối.
“Đây là một dị tật nặng liên quan trực tiếp đến hệ tiêu hóa và hô hấp, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ sẽ không thể bú được, bị viêm phổi nặng, suy hô hấp và dẫn đến tử vong”, bác sĩ Chiều nói.
Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sơ sinh teo thực quản từ các bệnh viện trong và ngoài địa bàn TP.HCM.
Bệnh viện liên tục cập nhật các kỹ thuật mổ nội soi tiên tiến trên thế giới cũng như những dụng cụ nội soi siêu nhỏ chỉ khoảng 2-2,5mm. Điều này giúp việc sang chấn mô ở mức thấp nhất. Từ những thành công ban đầu, những trường hợp teo hẹp thực quản được ê kíp bệnh viện tiến hành phẫu thuật hoàn toàn qua ngả nội soi ít xâm lấn.
Đáng lưu ý, phẫu thuật nội soi với dụng cụ nhỏ trong điều trị gián đoạn teo thực quản là một kỹ thuật rất khó, hiếm có trung tâm nhi khoa nào thực hiện được. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi ở các bé sơ sinh có cân nặng rất nhỏ. Bên cạnh đó, vấn đề gây mê và hồi sức tốt cũng là những thách thức đáng kể.
Bác sĩ Thạch cũng cho biết phần lớn các trường hợp teo thực quản được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được tiến hành đảm bảo khả năng xâm lấn tối thiểu, giúp phục hồi tốt và nhanh sau mổ. Trong đó hạn chế thấp nhất nguy cơ biến dạng lồng ngực, vẹo cột sống so với các trường hợp mổ mở thông thường.
Sau phẫu thuật, các bệnh nhi hồi phục tốt, ăn uống bình thường; vết mổ rất ít để lại sẹo, có tính thẩm mỹ cao, quan trọng hơn hết là có thể giảm được nguy cơ dị dạng lồng ngực và vẹo cột sống trong tương lai.
Hồ Quang