Một quả đạn chưa nổ ở Ukraine. Ảnh minh họa: Anadolu (AA)
Theo hãng tin TASS ngày 12/7, ông Valery Revenko, Trưởng phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế kiêm Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, nhận định quyết định rút khỏi Công ước Ottawa của một số quốc gia châu Âu phản ánh xu hướng giảm cam kết đối với các thỏa thuận giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Phát biểu trên báo Quân sự Belarus, ông Revenko cho biết nửa đầu năm 2025 chứng kiến căng thẳng quốc tế gia tăng, trong khi một số nước phương Tây ngày càng ít quan tâm đến các cơ chế kiểm soát vũ khí. Ông nhấn mạnh: “Một minh chứng rõ ràng là quyết định của Ba Lan, Phần Lan và các quốc gia Baltic rút khỏi Công ước về Cấm Sử dụng, Tàng trữ, Sản xuất, Chuyển giao và Phá hủy Mìn Sát thương Cá nhân - thường gọi là Công ước Ottawa".
Ông Revenko cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin Ukraine đang có kế hoạch rút khỏi Công ước Ottawa, điều mà theo ông sẽ khiến tình hình bom mìn tại quốc gia này thêm phức tạp. “Ngay khi phê chuẩn Công ước Ottawa vào năm 2005, Ukraine đã công bố tồn kho hơn 6,4 triệu quả mìn sát thương. Tuy nhiên, trong nhiều năm, chưa đến một nửa số này được tiêu hủy. Đến năm 2020, nhà máy xử lý bom mìn duy nhất đã phải đóng cửa, khiến công tác rà phá bom mìn càng thêm khó khăn”, ông Revenko cho biết.
Chuyên gia quân sự Belarus nhận định việc Ukraine rút khỏi hiệp ước đồng nghĩa với khả năng tiếp tục sử dụng mìn trong thời gian tới, từ đó làm gia tăng rủi ro cho dân thường và gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả. Ông Revenko cảnh báo: “Quyết định này sẽ làm tăng nguy cơ thương vong, đặc biệt tại các khu vực từng xảy ra xung đột”.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc