Thượng viện Mỹ 'trói tay' Lầu Năm Góc, không cho phép dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine

Thượng viện Mỹ 'trói tay' Lầu Năm Góc, không cho phép dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine
6 giờ trướcBài gốc
Dự thảo luật mới cấm chính quyền Trump ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Getty.
Một ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ đã phê duyệt dự thảo luật cấm Lầu Năm Góc đơn phương dừng các đợt viện trợ vũ khí và chia sẻ tình báo với Ukraine.
Dự luật này nằm trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) năm 2026, văn bản hàng năm quy định các ưu tiên và ngân sách của Lầu Năm Góc cho năm tài chính kế tiếp.
Động thái được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Quốc hội và Nhà Trắng liên quan đến việc ngừng viện trợ trước đó. Hồi tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã tạm thời đình chỉ toàn bộ viện trợ và chia sẻ tình báo với Ukraine, còn đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tiếp tục tạm ngừng chuyển giao vũ khí với lý do cần rà soát kho vũ khí đang cạn kiệt của Lầu Năm Góc.
Viện trợ chỉ được nối lại trong tuần này sau khi ông Trump tỏ ra bức xúc trước việc tiến trình hòa bình đình trệ và tuyên bố rằng Ukraine cần vũ khí để "tự vệ". Một số hãng truyền thông Mỹ sau đó đưa tin rằng ông Trump không được thông báo trước về lệnh tạm ngưng mới nhất và đã gặp khó khăn trong việc giải thích liệu ông có phê duyệt nó hay không.
Dự thảo NDAA mới đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng trong tuần này. Theo bản tóm tắt được công bố hôm thứ Sáu, dự luật này tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine, gia hạn viện trợ đến năm 2028, tăng mức viện trợ hàng năm từ 300 triệu USD lên 500 triệu USD, và yêu cầu Lầu Năm Góc phải tiếp tục hỗ trợ tình báo cho Kiev.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen cho biết, văn bản này còn bao gồm quy định ngăn Lầu Năm Góc ngừng viện trợ hoặc chia sẻ tình báo nếu không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Bà nhấn mạnh rằng các điều khoản trong dự luật "thiết lập giới hạn cho chính quyền Trump nhằm đảm bảo viện trợ quân sự đã hứa tiếp tục được chuyển đến Ukraine".
Một phiên bản khác của NDAA do Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers soạn thảo cũng gia hạn viện trợ đến năm 2028, nhưng giữ nguyên mức trần 300 triệu USD/năm. Văn bản này cũng cấm chính quyền Trump ngừng cấp quỹ nếu không có văn bản giải trình gửi Quốc hội và yêu cầu Bộ trưởng Hegseth báo cáo thường xuyên về tình hình hỗ trợ cho Ukraine. Ủy ban Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật này vào thứ Ba tới. Cả hai phiên bản cần được thông qua ở cấp ủy ban trước khi trình lên toàn thể Quốc hội.
Từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang hồi tháng 2/2022, Ukraine đã nhận gần 115 tỷ USD viện trợ từ Mỹ, bao gồm hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo. Phần viện trợ quân sự được cấp qua các dự luật như NDAA và thẩm quyền đặc biệt gọi là Quyền Rút của Tổng thống (Presidential Drawdown Authority, PDA), cho phép Tổng thống trích trực tiếp vũ khí từ kho của Mỹ để gửi sang Kiev.
Nga nhiều lần khẳng định rằng việc phương Tây viện trợ vũ khí chỉ kéo dài xung đột mà không làm thay đổi kết quả cuối cùng.
Cho đến nay, Nga và Ukraine đã tổ chức hai vòng đàm phán hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ, nối lại quá trình mà Kiev từng từ bỏ năm 2022 để theo đuổi chiến thắng quân sự với sự hậu thuẫn từ phương Tây. Moscow cho biết sẵn sàng tiếp tục đàm phán và đang chờ Kiev phản hồi để ấn định vòng đối thoại tiếp theo.
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/thuong-vien-my-troi-tay-lau-nam-goc-khong-cho-phep-dung-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine-post187503.html