Bền bỉ nghề tằm tang ở miền xanh Hoa Tiến

Bền bỉ nghề tằm tang ở miền xanh Hoa Tiến
6 giờ trướcBài gốc
Từ trung tâm huyện Quỳ Châu đi thêm khoảng mười cây số, qua những con dốc quanh co và triền núi phủ mây, bản Hoa Tiến hiện ra yên bình với mái nhà sàn gỗ, tiếng suối róc rách xen sắc xanh miên man của những nương dâu mỡ màng. Không ồn ào, không vội vã, người dân nơi đây bền bỉ gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Những luống dâu xanh mát ở bản Hoa Tiến. (Ảnh: VŨ LINH)
Trên những khoảnh đất ven suối hay các bãi cao ráo quanh bản, cây dâu được trồng thành hàng đều tăm tắp, tỏa bóng mát rượi. Mỗi buổi sớm, khi sương còn đọng trên lá, những người phụ nữ đã rảo bước hái dâu, gom từng bó mang về cho tằm ăn. Công việc đòi hỏi sự chăm chỉ, đều tay, đúng giờ để bảo đảm lá dâu còn tươi mát, giữ được độ giòn, không bị héo nắng.
Cho tằm ăn lá dâu. (Ảnh: VŨ LINH)
Người già trong bản cho biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Hoa Tiến không phải là nghề mới. Từ xa xưa, đồng bào Thái đã nuôi tằm, dệt vải để làm khăn áo phục vụ sinh hoạt và lễ nghi. Dù có lúc gián đoạn bởi biến động kinh tế-xã hội nhưng chưa khi nào nghề tằm tang bị lãng quên hoàn toàn. Một số gia đình vẫn gìn giữ nong tằm, luống dâu như giữ gìn ký ức của tổ tiên, rồi từ đó, tạo đà cho nghề truyền thống hồi sinh trong bối cảnh mới.
Em nhỏ tiếp nối nghề trồng dâu, nuôi tằm của gia đình. (Ảnh: VŨ LINH)
Những năm gần đây, khi nhu cầu sản phẩm thủ công, thân thiện với môi trường được chú trọng, nghề tằm tang ở bản Hoa Tiến được “đánh thức” trở lại. Người dân trồng nhiều dâu hơn, nuôi tằm nhiều lứa hơn trong năm để nâng cao thu nhập. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực về mặt sinh kế mà còn khẳng định giá trị bền vững của một nghề truyền thống lâu đời.
Hồi sinh nghề nuôi tằm ở bản Hoa Tiến. (Ảnh: VŨ LINH)
Theo bà con ở bản Hoa Tiến, chăm sóc dâu và nuôi tằm không quá cầu kỳ song đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ. Mỗi lứa tằm kéo dài khoảng hơn 20 ngày từ khi ươm trứng đến lúc tằm chín. Tằm được nuôi trong nhà sàn cao ráo, thoáng mát, không gió lùa. Mỗi ngày tuổi của tằm lại tương ứng với chế độ ăn và chăm sóc khác nhau. Giai đoạn tằm ăn rỗi là thời điểm ăn mạnh nhất. Người chăm tằm phải cho ăn bốn đến năm lần mỗi ngày. Khi tằm đến ngày làm kén, bà con cho vào né, sắp xếp cẩn thận để tằm nhả tơ.
Người dân bản Hoa Tiến bền bỉ giữ nghề. (Ảnh: VŨ LINH)
Mỗi kén vàng óng, đẹp, đều là kết quả của hơn 20 ngày miệt mài chăm sóc liên tục. Từ kén, người dân có thể ươm tơ, dệt thành sợi vải tơ tằm truyền thống.
Trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống ở bản Hoa Tiến. (Ảnh: VŨ LINH)
Nghề trồng dâu, nuôi tằm với người Thái ở bản Hoa Tiến không chỉ là sinh kế mà còn là một phần nếp sống, phong tục gắn bó bao đời. Trong từng gốc dâu, nong tằm nơi đây gói trọn những ký ức cộng đồng, sự cần cù, chịu thương chịu khó và lối sống chan hòa với thiên nhiên của đồng bào.
Giá trị bền vững của một nghề truyền thống lâu đời. (Ảnh: VŨ LINH)
Dù nhịp sống đổi thay mỗi ngày, bản Hoa Tiến vẫn giữ trong mình hơi thở của nếp xưa, nghề cũ. Bảo tồn nghề tằm tang không chỉ là lưu giữ tập quán sinh hoạt và phương thức sản xuất truyền thống mà còn mở ra hướng kết nối phát triển du lịch cộng đồng, tham gia thị trường hàng thủ công trong nước và quốc tế.
NGỌC LIÊN-VŨ LINH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ben-bi-nghe-tam-tang-o-mien-xanh-hoa-tien-post879459.html