Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, đây là Nghị quyết rất quan trọng góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ Ảnh: An Đăng/TTXVN
Chia sẻ xoay quanh nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh, trước hết cần khẳng định Nghị quyết số 66-NQ/TW không chỉ là một đột phá mang tính chiến lược mà còn thể hiện được quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, qua đó đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu của sự phát triển đất nước và các yêu cầu của phát triển khi chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới
Bàn về một trong những điểm mới của Nghị quyết số 66-NQ/TW là tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phòng, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, trục lợi, hướng lái chính sách..., đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Bộ Chính trị đã đặt ra một vấn đề rất thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay.
“Các chính sách đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Cho nên nếu để lọt, xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm hay nói cách khác là tham nhũng chính sách thì sẽ gây thiệt hại cho đất nước rất lớn, cả về trước mắt lẫn lâu dài. Nhưng quan trọng hơn là nó làm mất đi niềm tin của chính cử cử tri và nhân dân trong nước, làm mất đi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây là chính là điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển của đất nước, nên tôi cho rằng việc ban hành Nghị quyết là một chủ trương rất đúng đắn”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu rõ.
Cùng quan tâm tới vấn đề trên, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhận định, khi chúng ta đã nhận thấy "điểm nghẽn của điểm nghẽn" chính là thể chế, là công tác về pháp luật thì rõ ràng việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW đã tạo ra một lối mở, một hướng tiếp cận mới để trên cơ sở đó xử lý được những vấn đề liên quan đến điểm nghẽn về pháp luật.
"Những định hướng từ Nghị quyết 66 giúp chúng ta có thể có được giải pháp phù hợp trong công tác lập pháp trong giai đoạn sắp tới, để từ đó công tác lập pháp lại trở thành một nguồn lực mới thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Ở đó chúng ta có rất nhiều những tư tưởng đột phá, những lối đi đột phá nhưng cần phải có xử lý đột phá từ công tác lập pháp", đại biểu Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, chúng ta đang ở trong giai đoạn mọi thứ thay đổi rất nhanh, do đó cần có những khuôn khổ pháp lý để từ đó xử lý những biến đổi nhanh chóng này, song cũng không được quá cứng nhắc khiến những biện pháp pháp lý đó trở thành rào cản cho những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống.
"Chính vì lý do đó nên chúng ta tiếp cận với việc sửa đổi luật pháp bằng cách xây dựng hệ thống các luật khung, luật ống. Ở đó chúng ta định hướng được cách xử lý về mặt luật pháp nhưng đồng thời không bó cứng những xử lý này ở những chi tiết cụ thể và dành những điều tiết đó ở các nghị định, thông tư, những văn bản quy phạm pháp luật ở mức độ thấp hơn luật. Đó là sự phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm thích nghi nhanh chóng, linh hoạt với những bối cảnh thay đổi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời tạo ra được một khuôn khổ pháp lý đủ rộng, đủ thông thoáng nhưng cũng đủ chặt chẽ để tạo thuận lợi cho các lĩnh vực của đời sống. Từ đó chúng ta có thể tận dụng được những lợi thế từ luật pháp để phục vụ phát triển đất nước phù hợp với bối cảnh mới", đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Hiền Hạnh (TTXVN)