Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre vừa có chỉ thị về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ở tỉnh Bến Tre hàng năm thường khốc liệt hơn các địa phương vùng ĐBSCL
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung huy động nguồn lực và thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2024 - 2025.
Nhiều công trình ngăn mặn, chống triều cường tại các địa phương ở tỉnh Bến Tre đang khẩn trương thực hiện
Theo dõi sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, kịp thời có giải pháp ứng phó. Bến Tre huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, hạn mặn. Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Các công tác dự báo, quan trắc độ mặn, thông tin tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô được triển khai kịp thời, chính xác. Đặc biệt tiếp tục phát động nhân dân thực hiện phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất.
Chủ động trang bị các dụng cụ chứa nước, trữ nước, dụng cụ đo mặn; công tác thủy lợi; vận hành cống đập phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt bảo đảm linh hoạt, hiệu quả ưu tiên cho hoạt động tạo nguồn, cấp nước cho các nhà máy nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đào ao trữ nước ngọt
Khó khăn trong công tác phòng chống hạn hạn của xứ dừa là hệ thống cống đập tại các con sông, rạch trên địa bàn chưa khép kín, nhiều con sông thông ra biển nên hàng năm mặn xâm nhập rất sâu, nhiều trạm cấp nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.
Mùa khô 2023 - 2024, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng do công tác chủ động, ứng phó kịp thời, hiệu quả nên thiệt hại do xâm nhập mặn ở tỉnh Bến Tre chỉ hơn 100 tỷ đồng. Riêng thiệt hại của mùa khô năm 2015 - 2016 đến 1.800 tỷ đồng và 2019 - 2020 là 2.800 tỷ đồng.
Chu Trinh/VOV-ĐBSCL