Bến Tre chuẩn bị vui Xuân, đón Tết vừa phòng chống xâm nhập mặn bảo vệ vụ mùa

Bến Tre chuẩn bị vui Xuân, đón Tết vừa phòng chống xâm nhập mặn bảo vệ vụ mùa
5 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Bảy nhà vườn trồng 5 ha vườn cây ăn trái ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm cũng như nhiều nhà vườn địa phương đang rất chú tâm đến tình trạng nước mặn xâm nhập. Trong đó công tác đo độ mặn trên sông rạch được người dân tổ chức thường xuyên, tiến hành nạo vét mương vườn, kiểm tra bảo trì cống bọng, gia cố bờ đê phòng ngừa triều cường nước mặn dâng cao.
Ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: “Nước mặn thì tôi đo rồi báo cho bà con bữa nay mặn là bao nhiêu để bà con dừng tưới, không đưa nước lên vườn, kiểm soát độ mặn hàng ngày rồi nâng tầng đất lên. Tôi có cài cho mỗi nhà vườn một cái app Zalo, tôi đưa thông tin mặn lên zalo và facebook cho mọi người dân trong huyện Giồng Trôm biết hết. Mặn rất nguy hiểm, ví dụ như mảnh vườn mình mà mặn tràn lên 1 ngày thì 2 năm bỏ hoang luôn”.
Nước mặn đang "tấn công" vào tỉnh Bến Tre
Bến Tre có hệ thống sông rạch bao phủ nhiều địa bàn, nằm gần biển nên nước mặn xâm nhập rất nhanh và sâu, nhất là vào đợt triều cường, gió chướng thổi mạnh. Ở các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam đang bị ảnh hưởng nặng do hạn mặn; trong đó cần quan tâm trước tiên và diện tích cây ăn trái rất mẫn cảm với nước mặn như các loại cây có múi, sầu riêng và cây giống, hoa kiểng.
Sản xuất nông nghiệp tại Bến Tre được ưu tiên bảo vệ khi nước mặn đến sớm
Hiện nay, ngoài hệ thống thủy lợi (cống đập), do Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư hoàn chỉnh, tại các địa phương người dân đã đóng góp tu sửa, nâng cấp, đấp các cống đập “dã chiến”; trong các khu vườn cây đều có hệ thống ống bọng kiểm soát nguồn nước ra vào.
Ở huyện Chợ Lách lo lắng nhất của chính quyền và người dân nơi đây là hơn 10 triệu sản phẩm hoa kiểng Tết và hàng nghìn ha vườn cây chôm chôm, sầu riêng, cây giống có nguy cơ ảnh hưởng nếu mặn tăng đột biến từ sông Hàm Luông. Tuy nhiên, tại các đầu kênh rạch lớn nối với các con sông chính đã có các cống ngăn mặn kiên cố nên ứng phó với xâm nhập mặn rất hiệu quả.
Bà Phan Thị Thủy, nông dân trồng cây giống, hoa kiểng tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách nói: “Mấy năm trước, ở đây không có cống dân mình ở đây làm ăn rất khó, nhưng mà nay có cống ngăn mặn rồi thì dân cũng mừng lắm, vì ngăn cống sẽ có nước ngọt, nước mặn không vào được. Nếu có hạn mặn mình lấy nước ngọt dưới kênh tưới cho cây, làm cây giống loại sầu riêng thì hơi lo ngại, các cây khác thì không sao’.
Nhà vườn huyện Chợ Lách tích cực chăm sóc hoa tết
Để chủ động phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cùng phối hợp triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện quan trắc, theo dõi diễn biến xâm nhập mặn đối với các trạm quan trắc thuộc phạm vi quản lý; kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình, diễn biến xâm nhập mặn đến các ngành, địa phương và người dân để có phương án chủ động ứng phó.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đối với các dự án/công trình thủy lợi được giao làm chủ đầu tư theo đúng kế hoạch để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ ngăn mặn. Có phương án ngăn mặn đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đầu mối phục vụ trữ nước. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát tình hình, diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối. Đẩy nhanh tiến độ nạo vét, sửa chữa các công trình thủy lợi. Tổ chức vận hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo công tác trữ ngọt, rửa mặn, hạn chế ô nhiễm trong các hệ thống thủy lợi, hồ chứa,... nhằm đảm bảo cấp nước ngọt phục vụ các nhà máy nước, sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.
Nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt tại Bến Tre đã phát huy hiệu quả
Nhà vườn lắp đặt hệ thống bơm tưới tự động, tiết kiệm nước ngọt mùa khô
Hàng năm, xứ dừa đều bị mặn xâm nhập với các mức độ khác nhau do hệ thống sông rạch chưa có cống đập khép kín để ngăn mặn, trữ ngọt. Chính quyền và nhân dân địa phương đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó; trong đó giải pháp đào ao, lót bạt trữ nước ngọt mùa khô đã phát huy hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có hàng nghìn ao, hồ lớn nhỏ để trữ nước ngọt của người dân.
Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Huyện Chợ Lách đã trải qua nhiều lần hạn mặn rồi, do đó chúng tôi có kinh nghiệm và có những kịch bản để phòng chống. Tùy vào mức độ hạn mặn tương ứng với kịch bản này sẽ có giải pháp. Điều đầu tiên là phải thông tin đến người dân nhanh nhất mức mặn hàng ngày, hàng giờ, từng địa điểm để bà con có giải pháp tự ứng xử đầu tiên. Còn các giải pháp phi công trình, công trình thì huyện sẽ huy động và tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư. Đối với các công trình đê bao lớn cần nguồn vốn lớn, còn những giải pháp phi công trình như xây hồ chứa nước… phải tận dụng và các giải pháp kỹ thuật kèm theo”.
Do hệ thống sông, rạch bao phủ, chưa khép kín các công trình ngăn mặn nên Bến Tre cần tiếp tục được TW đầu tư để ứng phó với thiên tai
Về lâu dài, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh đầu tư hoàn chỉnh, khép kín hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trong giai đoạn 2025 - 2030, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; trong đó đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230 km đê bao, bờ bao; 29 công trình cống, ước tính nhu cầu kinh phí cần được hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bến Tre kiến nghị các Bộ, Ngành Trung ương đánh giá tính khả thi dự án cống điều tiết nước tại các cửa sông chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long như cống Hàm Luông, Cổ Chiên... và hệ thống đê bao khu vực ven biển, nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn tại tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ben-tre-chuan-bi-vui-xuan-don-tet-vua-phong-chong-xam-nhap-man-bao-ve-vu-mua-post1147630.vov