Bến Tre: tập trung nâng cao chuỗi giá trị cây dừa

Bến Tre: tập trung nâng cao chuỗi giá trị cây dừa
5 giờ trướcBài gốc
Định hướng phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, với tổng diện tích trên 80 ngàn héc-ta, Bến Tre trở thành tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, chiếm 88% diện tích dừa vùng ĐBSCL và gần 42% diện tích dừa cả nước. Tỉnh xác định cây dừa là cây trồng chủ lực và đem lại nguồn thu nhập của hơn 200 ngàn hộ dân khu vực nông thôn.
Hiện toàn tỉnh có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số, với diện tích 8.391ha. Tập trung phân bố trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại và Mỏ Cày Bắc và TP Bến Tre. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đến nay, toàn tỉnh Bến tre có hơn 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, với hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cây dừa đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt là cây công nghiệp trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Bên cạnh đó, việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc đánh dấu cột mốc phát triển cho sản phẩm dừa uống nước, thúc đẩy kinh tế của người trồng dừa, tạo ra hiệu quả bước đầu khi giá dừa được ổn định hơn và nhiều doanh nghiệp tìm đến tỉnh để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian qua kim ngạch xuất khẩu dừa vẫn ổn định trên 350 triệu USD/năm, riêng từ tháng 10-2024 dừa Bến Tre được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc con số tăng trưởng cao. Dự kiến năm nay xuất khẩu dừa của tỉnh đạt gần 400 triệu USD
Nâng cao giá trị trái dừa, tăng thu nhập cho người dân
Theo ông Nguyễn Trung Chương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, để ngành Dừa phát triển, cần phải nắm bắt cơ hội và phát huy thế mạnh lĩnh vực này, trong đó cần tập trung vào công tác quy hoạch, đầu tư. Vấn đề quan trọng và mang tính cốt lõi là nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, nếu thực hiện tốt nội dung này thì chúng ta có thể giải được bài toán “được mùa mất giá” và nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng dừa và chất lượng trái dừa cũng là khâu quan trọng, điều này cũng đồng nghĩa với việc khẳng định được thương hiệu dừa ở Bến Tre. Đồng thời, cần phải dự báo biến động của thị trường để giúp người dân chủ động hơn trong hoạt động sản xuất ngành Dừa. Việc dự báo nên tập trung vào 4 nội dung trọng tâm: tổng cung - cầu thị trường, thị phần, tốc độ cung - cầu và đối thủ cạnh tranh.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, nhằm nâng cao giá trị trái dừa, phục vụ chiến lược xuất khẩu, Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục tiếp nhận hồ sơ về xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói của công ty, hộ kinh doanh… để kiểm tra, đánh giá, hoàn thiện hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật để Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, cấp mới mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với dừa tươi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Song song đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.781 ha. Tập trung phân bố đều trên địa bàn các huyện như: Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri.
Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre còn phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương trong việc thực hiện các hoạt động kiểm tra và giám sát việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu.
Ngọc Phạm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ben-tre-tap-trung-nang-cao-chuoi-gia-tri-cay-dua.html