Đối thoại 'Chính sách phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể do nữ làm chủ'

Đối thoại 'Chính sách phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể do nữ làm chủ'
3 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Tại buổi đối thoại, có 20 ý kiến của các nữ doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ tham gia quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác phản ánh những thuận lợi, khó khăn, đề xuất đối với lãnh đạo tỉnh.
Các ý kiến xoay quanh chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; vốn, tín dụng phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác); tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm mở rộng quy mô; việc làm, đào tạo nghề… Nhiều giải pháp đã được chia sẻ, tháo gỡ hạn chế, khó khăn trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu vì sự phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện tốt nhất giúp cho doanh nghiệp nữ, hợp tác xã, tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý tại tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa thông tin, để nâng cao năng lực, quyền năng về kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, các cấp Hội đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cấp, ngành liên quan nỗ lực, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời, triển khai hoạt động phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mới và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo, quản lý, mang lại những giá trị thiết thực, hiệu quả.
Phụ nữ trên bàn tỉnh Bến Tre nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Đặc biệt, các cấp hội đã hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, đào tạo kỹ năng quản lý và xúc tiến thương mại cho nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, giúp họ thành công trong phát triển các sản phẩm đặc trưng, bản địa của Bến Tre như dừa, bưởi, tôm…, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, nông sản chế biến, du lịch sinh thái. Điển hình là sự ra đời của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Bình An, xã Tân Phú, huyện Châu Thành - đơn vị do nữ lãnh đạo, quản lý đầu tiên của tỉnh, qua đó vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các mô hình kinh tế tập thể ngày càng được khẳng định.
Theo thống kê, Bến Tre hiện có 1.464 doanh nghiệp do nữ làm chủ; có 26/193 hợp tác xã và 244/1.161 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý.
Phụ nữ trên bàn tỉnh Bến Tre nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre Bùi Văn Bia mong muốn các nữ doanh nhân khởi nghiệp có sự đổi mới nhanh chóng về tư duy và cách làm, thành công trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ linh hoạt, nhạy bén với thị trường, phù hợp với xu hướng thời đại. Đồng thời chung tay cùng với địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; đổi mới sáng tạo, chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi, phát triển nhanh, mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gắn với phương án phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới để bảo đảm sản xuất, kinh doanh phát triển an toàn, hiệu quả. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng cần tăng cường năng lực quản trị rủi ro, quản trị sự thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng; tích cực trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bến Tre giải đáp những vướng mắc. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024. Vượt qua 108 dự án tham gia, Dự án “Nâng tầm giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Dừa Bến Tre” của chị Nguyễn Băng Nhi (xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam) xuất sắc giành giải Nhất.
Chương Đài/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/doi-thoai-chinh-sach-phat-trien-doanh-nghiep-va-kinh-te-tap-the-do-nu-lam-chu/357246.html