Bến Tre: Thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản

Bến Tre: Thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản
4 giờ trướcBài gốc
Bến Tre cũng đã xác định phát triển kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng là một trong những thế mạnh mũi nhọn để phát triển kinh tế.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cùng Đoàn công tác Hội Nông dân Việt Nam tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú
Định hình ngành kinh tế mũi nhọn
Bến Tre có diện tích nuôi thủy sản tiềm năng gần 50.000ha, trong đó nuôi lợ mặn gần 40.000ha; hiện toàn tỉnh có 3.080 tàu, trong đó có 2.034 tàu đánh bắt xa bờ; có 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cảng cá ổn định, tổng số tàu lên hàng và hàng thủy sản là 1.802 lượt/22.799 tấn. Dịch vụ hậu cần nghề cá khá đồng bộ với 3 cảng cá Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre cho biết, việc thực hiện Nghị quyết phát triển về hướng Đông của Tỉnh ủy, trong đó có kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC) được xem là “đòn bẩy” giúp hiện đại hóa nghề nuôi tôm tại các huyện ven biển.
9 tháng đầu năm 2024, tổng diện tích nuôi thủy sản tăng 8,7 % so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng 3,44 %, sản lượng thu hoạch tăng 4,55 %. Hình thức nuôi tôm UDCNC tương đối hiệu quả, đang được quan tâm và đầu tư cải tiến, năng suất nuôi đạt khoảng 60-70 tấn/ha.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã phát triển tăng thêm 399 ha/500 ha, đạt 79,8 % so chỉ tiêu, lũy kế đạt 3.509 ha/4.000 ha, đạt 87,7 % so kế hoạch, sản lượng lũy kế đạt 187.000 tấn/144.000 tấn, đạt 129,8 %.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 4.000ha nuôi tôm CNC, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Các doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng CNC được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ như: đất đai, thuế, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ…
Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang đầu tư nuôi tôm theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC, kịp thời hỗ trợ các chính sách thu hút đầu tư, sử dụng đất, mặt nước, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tiêu thụ sản phẩm… gắn với triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030...
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận và cập nhật dữ liệu đối với đề tài Ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm CNC (4.000 ha) tại tỉnh; Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ chứng nhận ASC cho vùng nuôi tôm ứng dụng CNC xã Thạnh Hải quy mô 70 ha; Phối hợp với huyện Bình Đại chọn hộ nuôi tôm ứng dụng CNC có nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn BAP và liên kết sản xuất đầu ra sản phẩm với dự kiến 200 ha được chứng nhận.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre cung cấp danh sách hộ nuôi tôm ứng dụng CNC có nhu cầu vay vốn để người nuôi tiếp cận chính sách…
Thu hút đầu tư
Bên cạnh hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, cơ sở hậu cần nghề cá ở Bến Tre cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề khai thác thủy sản với 3 cảng cá, 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các cảng cá và chuyển đổi mô hình quản lý các cảng cá nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Bến Tre cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm biển, góp phần nâng cao giá trị chuỗi tôm của tỉnh. Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu với công suất thiết kế 150.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, EU, các nước Trung và Nam Mỹ, châu Á...
Tỉnh Bến Tre cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2.500 triệu USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%, trong đó tôm đạt 50%, cá tra đạt 20%, nghêu đạt 50%, thủy sản khác đạt 40%. Toàn tỉnh có ít nhất 20 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất thiết kế khoảng 300.000 tấn/năm. Các nhà máy chế thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn chất lượng như: HACCP, ISO, BRC, IFS, HALAL, MSC, ASC và tương đương. Đồng thời, hình thành một số doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý thuộc tốp đầu của Việt Nam.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Bến Tre tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp cùng với các nhà đầu tư tập trung triển khai các giải pháp nhằm tạo sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ...
“Thời gian tới, để ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, Bến Tre sẽ thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng CNC trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ đó, tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào địa phương nhằm từng bước phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, Bến Tre cũng tập trung đầu tư, phát triển chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Đoàn Văn Đảnh nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/ben-tre-thu-hut-dau-tu-vao-che-bien-thuy-san-718026.html