Bên trong kế hoạch phân chia Trung Đông của CIA

Bên trong kế hoạch phân chia Trung Đông của CIA
8 giờ trướcBài gốc
Trước tình hình đó, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã chuẩn bị một tài liệu mật về những hậu quả có thể xảy ra của việc phân chia, bao gồm xung đột tiềm tàng Arab-Israel. Tài liệu này mới chỉ được giải mật gần đây.
Dự đoán chiến tranh
Các tác giả viết tài liệu mật cho CIA dự báo rằng “người Do Thái sẽ không tồn tại được quá 2 năm nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài gồm cả nhân lực và vật lực”. Họ biết tất cả những việc này nhạy cảm như thế nào đến an ninh quốc gia Mỹ. Vì thế trang đầu tiên của tài liệu mật đã ghi rõ việc cấm chuyển giao hoặc tiết lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho những cá nhân không được phép. Cụ thể như Washington biết rõ sẽ có chiến tranh nếu có một nhà nước Do Thái ra đời.
Tài liệu viết: “Người Arab ở Syria, Lebanon, Iraq, Jordan, Ai Cập và Saudi Arabia, cùng với người Palestine (được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc và lòng mộ đạo tôn giáo) sẽ quyết tâm chống lại bất kỳ lực lượng hoặc liên minh nào đang cố gắng thành lập nhà nước Do Thái ở Palestine”.
Ông Amin al-Husayni, Chủ tịch Ủy ban cấp cao Arab, tiến hành gặp gỡ Quốc trưởng Đức Adolf Hitler.
Áp lực nội bộ đối với các chính phủ Arab
Ngày 1/9/1947, Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc về Palestine (UNSCOP) đã kết thúc báo cáo của mình với phần lớn các thành viên khuyến nghị phân chia. Nếu Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) - hiện đang thảo luận về đề xuất phân chia - chấp nhận phân chia Palestine với đa số phiếu 2/3 thì những tình huống sau đây sẽ xảy ra: 1) Một nhà nước Do Thái có chủ quyền được thành lập bao gồm phần lớn lãnh thổ Palestine; 2) Một lượng lớn người nhập cư sẽ được phép vào quốc gia Do Thái này; 3) Người Arab (không chỉ ở Palestine mà còn trên toàn bộ Trung Đông) sẽ phản đối mạnh mẽ cả 1) và 2) ở trên, và xung đột vũ trang sẽ nổ ra giữa người Do Thái và người Arab; 4) Cả người Do Thái và người Arab ở bên ngoài Palestine cùng nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài dưới các hình thức nhân lực, vũ khí và vật tư; 5) UN sẽ không ngay lập tức thành lập một lực lượng cảnh sát quốc tế nhằm duy trì hòa bình ở Palestine.
Có 3 câu hỏi cần được giải quyết rốt ráo: 1) Xung đột Arab-Israel sẽ diễn tiến như thế nào và hậu quả ra sao? 2) Sự ổn định của Trung Đông bị ảnh hưởng thế nào? 3) Lợi ích chiến lược và thương mại Hoa Kỳ có gặp rủi ro? Trước tiên hãy nói về áp lực dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc Arab là lực lượng chính trị mạnh nhất trong thế giới Arab. Sự độc lập của mọi quốc gia Arab ở Trung Đông có thể phụ thuộc vào vấn đề Palestine. Bất kỳ diễn biến chính trị ở nước nào trong thế giới này cũng ảnh hưởng đến người Arab ở mọi nơi. Do vậy mà nền độc lập của Palestine không chỉ là mục tiêu chính của người Arab Palestine mà còn cho cả người Arab ở các nước Syria, Lebanon, Iraq, Jordan, Ai Cập và Saudi Arabia. Bất kỳ chính phủ Arab nào phớt lờ chuyện này cũng bị coi là tự sát chính trị. Bất chấp sự bất đồng giữa Ủy ban tối cao Arab (thành lập năm 1945) và Liên đoàn Arab về tính hữu ích của việc làm chứng trước UNSCOP, các thành viên Liên đoàn nhất trí về sự bất công của việc phân chia người Arab Palestine.
Thứ hai là về áp lực tôn giáo. Các chính phủ Arab có thể chịu ảnh hưởng đáng kể bởi áp lực tôn giáo và áp lực dân tộc chủ nghĩa. Thứ ba là về áp lực bộ lạc. Những bộ lạc trong thế giới Arab là một yếu tố mạnh mẽ trong cấu trúc chính trị và quân sự Trung Đông. Dân số Bedouin ở Iraq, Syria, Jordan và Saudi Arabia ước tính khoảng 2,5 triệu người. Kể từ khi các chính phủ Arab là bên chi trả các phần thưởng cho các bộ lạc nên họ dựa vào những bộ lạc này trong lãnh thổ của mình. Thứ tư là về quan điểm tiềm tàng của các chính phủ Arab. Người Arab kịch liệt phản đối việc thành lập một nhà nước Do Thái ở Palestine với niềm tin rằng Palestine là một phần không thể tách rời của thế giới Arab. Người Arab lo người Do Thái sẽ củng cố vị thế của họ thông qua việc nhập cư không hạn chế và tìm cách bành trướng, điều này sẽ gây ra mối họa đối với nền độc lập mà các nước Arab khác mới giành được.
Các chính phủ Arab có thái độ cay đắng đối với báo cáo được UNSCOP công bố khi cho rằng nó không được tiếp cận một cách công bằng. UN đã tạo điều kiện cho một giải pháp nhanh chóng và thỏa đáng giữa các nước Pháp, Anh và Levant (khu vực phía Đông Địa Trung Hải) bằng cách nêu vấn đề về việc các lực lượng nước ngoài rút khỏi Syria và Lebanon. Ai Cập bày tỏ quan điểm rút quân Anh ra khỏi nước mình và các yêu cầu của họ đối với Sudan. UN cung cấp cho các quốc gia Arab non trẻ một phương tiện để được công nhận ngay lập tức, cũng như tham gia vào các vấn đề toàn cầu. Thứ năm, xét về quan điểm của người Arab với Anh và Mỹ. Kể từ Tuyên bố Balfour, tình cảm chính trị của người Arab đã hướng tới sự hiện diện của Anh ở Palestine. Tuy nhiên do Anh công bố chấm dứt sự ủy trị, lui binh, và tỏ ra dễ dãi hơn với cả người Arab và người Do Thái mà vị thế của Anh trong thế giới Arab đã được cải thiện đáng kể.
Ngược lại vị thế của Mỹ đã suy giảm khi nước này ủng hộ cho thế lực Phục quốc Do Thái. Tình cảm thiện chí của Mỹ sau Hội nghị Roosevelt-Ibn Saud và sự ủng hộ của họ đối với nền độc lập của Lebanon và Syria đã không kéo dài lâu khi mà Tổng thống Truman hậu thuẫn cho người di cư Do Thái đến Palestine. Dần dà sự đổ lỗi chuyển từ Anh sang Mỹ về tình hình Palestine. Vì nhiều lý do khác nhau mà các nước Arab duy trì quan hệ hữu hảo với Mỹ, gồm mối quan hệ văn hóa sâu sắc giữa Mỹ và thế giới Arab; vai trò thân thiện của Mỹ trong việc giúp Syria và Lebanon giành được độc lập; một số nước Arab phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ từ các công ty Mỹ và hứa hẹn doanh thu tăng trong tương lai.
Du kích người Palestine bên cạnh một xe tải của lực lượng Haganah (Israel) bị đốt cháy trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1948.
Thế giới Arab và tham vọng Do Thái
Trong trường hợp Palestine bị chia cắt, khó có khả năng các chính phủ Arab sẽ công khai tuyên chiến chống người Do Thái, vì chắc chắn rằng họ sợ việc đó sẽ làm mất ghế của mình tại Liên hợp quốc (UN). Tuy vậy cũng sẽ có một lượng đáng kể người Arabs từ các nước láng giềng và cả người Palestine sẽ chung tay chiến đấu chống lại thế lực Phục quốc Do Thái. Cần biết rằng trước khi Tuyên bố Balfour được ban hành vào năm 1917, người Do Thái ở Trung Đông có địa vị tương tự các dân tộc ít người khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, kể từ năm 1917, họ bắt đầu hứng chịu sự thù địch của thế giới Arab đối với sự phát triển chính trị của Chủ nghĩa Phục quốc ở Palestine.
Hội nghị Bloudan năm 1946 đã đưa ra kế hoạch hành động mà các nước Arab phải tuân theo nếu khuyến nghị của Ủy ban Anh - Mỹ được thực hiện. Có một sự nhất trí giữa các nước Arab vì mục tiêu này: Tất cả họ đồng kiên quyết phản đối việc thành lập một nhà nước Do Thái ở Palestine. Mặt khác cũng cần phải hiểu về những mục tiêu thực sự của nhà nước Do Thái. Thứ nhất là sự đoàn kết. Bất chấp những căng thẳng và thù địch ngày càng tăng trong nhiều nhóm khác nhau của cộng đồng Do Thái, họ vẫn hy vọng các nhóm Do Thái ở Palestine sẽ đoàn kết nhằm bảo vệ nhà nước Do Thái non trẻ. Mục tiêu chính của chính phủ Do Thái là phòng thủ và tăng cường nhập cư. Thứ hai là tham vọng khu vực. Những người theo chủ nghĩa Phục quốc ở Palestine muốn giành quyền kiểm soát toàn bộ Negev, Tây Galilee, và thành phố Jerusalem, hoặc toàn bộ Palestine.
Một Palestine bị chia tách
Tài liệu mật của CIA đã hé lộ tới hậu quả quân sự nếu xảy ra sự chia cắt Palestine. Trước hết là nói về các lực lượng Arab. Có 3 nguồn chính mà người Arab có thể rút ra để tập hợp binh lính chiến đấu ở Palestine: 1) Các tổ chức bán quân sự Arab do các cựu sĩ quan quân đội lãnh đạo sẽ hình thành nòng cốt của du kích quân; 2) Binh sĩ từ các đội quân chính thức ở các nước Arab sẽ tham gia chiến đấu chống người Do Thái; 3) Nam nhân ở các bộ lạc. Các ước tính cho thấy có một lượng lớn người Arab tích cực chiến đấu chống lại thế lực Phục quốc sẽ dao động từ 10 đến 20 vạn tay súng (gồm binh lính người Arab Palestine, các tình nguyện viên, và người Bedouins) cùng các tổ chức bán quân sự từ những nước Arab khác. Sức mạnh vũ trang của người Arab ở Palestine ước tính vào khoảng 3,3 vạn người. Ngoài ra, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo sẽ triển khai đội hình từ các chi đoàn ở Ai Cập và Syria từ 1 vạn đến 1,5 vạn tay súng.
Binh lính bộ lạc Bedouin với xấp xỉ 3 vạn người và có nhiều người trong số họ sống ở Palestine. Tổng lực lượng mặt đất của các quốc gia thuộc Liên đoàn Arab (Ai Cập, Iraq, Lebanon, Saudi Arabia, Syria, Jordan, và Yemen) vào khoảng 22,3 vạn người, bao gồm lực lượng hiến binh, an ninh và cảnh sát. Các chính phủ Arab sẽ bí mật cung cấp vũ khí, đạn dược và huấn luyện du kích. Tuyên bố Thánh chiến cũng có thể được sử dụng nhằm thu hút tân binh. Người Arab rất thành thạo trong chiến tranh đường phố, trong khi rất ít binh sĩ Do Thái có kinh nghiệm về những chiến thuật như vậy.
Mặt khác, hệ thống tình báo Arab luôn nhanh chóng và chính xác. Những vị trí mặt đất trên cao sẽ cung cấp các địa điểm quan sát tốt. Cần biết rằng phần lớn sự ủng hộ cho chính nghĩa Arab sẽ đến từ những nước thành viên thuộc Liên đoàn Arab. Ai Cập sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính cùng sự đóng góp ít hơn từ những nước nhận doanh thu từ dầu mỏ mà cụ thể là Saudi Arabia.
Các ước tính cho rằng lực lượng Do Thái và Arab sẽ cân bằng nhau, nhưng người Arab sẽ có quân dự bị lớn trong khi người Do Thái lại thiếu quân tiếp viện trừ phi họ có quân bổ sung từ Châu Âu hoặc tình nguyện viên từ Mỹ. Lực lượng Do Thái ở Palestine gồm 3 tổ chức: 1) Haganah (quân đội của thế lực Phục quốc); 2) Irgun Zvai Leumi (ETZEL); 3) Stern Gang (tổ chức chiến binh bán quân sự). Trong trường hợp xảy ra chiến sự, Haganah có thể huy động 20 vạn đàn ông, đàn bà có kinh nghiệm chiến đấu hoặc kỹ năng hậu cần. Sức mạnh của phong trào ETZEL ước tính dao động từ 6000 đến 8000 người chuyên phá hoại như cách làm của Haganah. Còn Stern Gang có từ 400 đến 500 phiến quân cực đoan.
Sáng lập viên của Sern Gang là các cựu thành viên của ETZEL. Tổ chức này tuyên bố rằng họ coi việc định hướng hướng tới Liên Xô là cần thiết do tình hình toàn cầu hiện tại. Các báo cáo chỉ ra rằng cả Liên Xô và Stern Gang đều quan tâm đến việc thành lập một “nhà nước Palestine độc lập và mạnh mẽ” đóng vai trò là pháo đài chống lại “âm mưu đế quốc” của Anh nhưng “không thù địch” với Liên Xô (các tác giả tài liệu CIA trích dẫn). Đối mặt với một cuộc xâm lược của người Arab, 3 nhóm vũ trang ETZEL, Stern Gang sẽ sáp nhập vào Haganah. Vào khi đó đã có một hệ thống đưa người di cư Do Thái từ Đông Âu xuống Balkan và từ đó đến Palestine.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh Arab-Do Thái thì hệ thống đó sẽ được dùng để cung cấp thêm chiến binh Do Thái ở Palestine. Có một số bằng chứng cho thấy các điệp viên từ ETZEL và Stern Gang đã được Liên Xô đào tạo và hỗ trợ. Cần biết rằng phong trào Phục quốc rất mạnh mẽ ở Mỹ, và họ cũng ủng hộ mục tiêu thành lập một quê hương cho người Do Thái, song lại không ủng hộ một nhà nước Do Thái độc lập ở Palestine.
Phan Bình (Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ben-trong-ke-hoach-phan-chia-trung-dong-cua-cia-i768826/