Bên trong ngôi chùa cổ ở Hưng Yên được tôn trí Xá lợi Phật có gì đặc biệt?

Bên trong ngôi chùa cổ ở Hưng Yên được tôn trí Xá lợi Phật có gì đặc biệt?
5 giờ trướcBài gốc
Truyền thuyết về tên gọi Kim Chung tự gắn liền với một quả chuông vàng. Vì biết được dã tâm vua quan phương Bắc muốn lấy cắp chuông vàng, các tăng, ni mang chuông giấu xuống giếng. Dần dần, những người giấu chuông đều viên tịch, hậu thế muốn tìm lại chuông nhưng không được. Để tưởng nhớ quả chuông thiêng ấy, người ta đã đổi tên chùa là Kim Chung tự.
Qua những biến cố của lịch sử cùng sự bào mòn của thời gian, chùa Chuông đã nhiều lần phải trùng tu, tôn tạo. Kiến trúc xa xưa đã mất nhưng kiến trúc hiện nay của chùa Chuông so với những ngôi chùa được xây dựng hay trùng tu cùng thời có nhiều điểm khác biệt.
Cổng Tam Quan cổ kính rêu phong của chùa Chuông
Thông thường, các ngôi chùa đều xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống như chữ Tam, chữ Đinh, chữ Công hay Nội công ngoại quốc. Có thể nói, những kiểu kiến trúc trên là mẫu hình chung cho kiến trúc đình, chùa từ ngàn xưa. Nhưng chỉ với một phần tương đồng nhỏ, Kim Chung tự đã tạo cho mình một dáng vẻ riêng nhất, một nét kỳ lạ đầy trí tuệ. Biết tiếp thu để rồi cải biến, chùa Chuông đã phá vỡ khuôn mẫu kiến trúc truyền thống khi xây dựng theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc liên hoàn”, cùng “Tứ thủy quy đường” gồm nhiều hạng mục công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê đan xen thời Nguyễn như: Tam quan, nhà Tiền, Tiền đường, Thượng điện, hai dãy hành lang, nhà thờ Đức vua Thần Nông, nhà Tổ và nhà Mẫu. Các hạng mục kiến trúc được bố trí đăng đối, hài hòa trên trục đối xứng từ Tam quan đến nhà Mẫu. Chính điều đó đã tạo nên sự tráng lệ và nét kiến trúc đặc sắc, độc nhất vô nhị của ngôi chùa.
Con đường chính đạo là ba nhịp cầu đá cổ bắc ngang qua ao Mắt Rồng
Hiện tại, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật rất có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hóa, đó là các bức đại tự, câu đối, chuông đồng, khánh đá…. Tiêu biểu là các di vật như cầu đá xanh, cây hương đá (Thạch Thiên đài) được làm năm Chính Hòa thứ 23 (1702). Quý hiếm hơn là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Văn bia ca ngợi chùa là nơi danh thắng hào khí anh linh và ghi tên những người công đức tu tạo chùa thời Phố Hiến hưng thịnh.
Đặc biệt, chùa Chuông nổi tiếng bởi hệ thống tượng Phật phong phú, đặc sắc như: Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương cùng bộ Tứ Trấn và Bát Bộ Kim Cương. Mỗi pho tượng mang một sắc thái, dáng vẻ khác nhau, được các nghệ nhân đương thời tạo tác rất công phu, sống động và uyển chuyển. Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích, địa danh và lịch sử Phố Hiến xưa.
Chùa Chuông được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng là di tích “Kiến trúc - nghệ thuật” cấp quốc gia ngày 21/1/1992 và là một di tích tiêu biểu trong Khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014. Vào những ngày rằm, mùng một hay Đại lễ Phật Đản, du khách từ khắp nơi về đây lễ Phật, ngắm cảnh, tĩnh tâm. Chùa Chuông được chọn là địa điểm tôn trí Xá lợi Phật - Bảo vật Quốc gia Ấn Độ là sự kiện tôn giáo có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập với Phật giáo quốc tế, đồng thời, khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Mai Hoan
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/ben-trong-ngoi-chua-co-o-hung-yen-duoc-ton-tri-xa-loi-phat-co-gi-dac-biet-3181400.html