Bên trong ngôi làng ẩm ướt nhất hành tinh

Bên trong ngôi làng ẩm ướt nhất hành tinh
2 ngày trướcBài gốc
Năm 1985, làng Mawsynram thuộc bang Meghalaya, Ấn Độ được công nhận là nơi ẩm ướt nhất thế giới khi hứng chịu lượng mưa lớn mỗi năm. Ảnh: Amos Chapple.
Nằm giữa những rặng đồi xanh thẳm ở đông bắc Ấn Độ, Mawsynram là nơi ghi nhận lượng mưa cao nhất hành tinh - gấp hơn 20 lần so với London. Nhưng thay vì lùi bước trước thiên nhiên dữ dội, người dân nơi đây học cách chung sống và thích nghi một cách bền bỉ, biến ngôi làng nhỏ này thành điểm đến độc đáo, thu hút những tín đồ du lịch ưa khám phá, theo Metro.
Theo Sách Kỷ lục Guinness, năm 1985, làng Mawsynram thuộc bang Meghalaya, Ấn Độ được công nhận là nơi có lượng mưa cao nhất thế giới. Lượng mưa ghi nhận tại đây có thời điểm cao nhất lên tới 26.000 mm.
Trung bình mỗi năm, riêng làng Mawsynram hứng chịu tới 11.872 mm lượng mưa, vượt xa mức trung bình của hầu hết quốc gia. Thậm chí, chỉ trong một ngày tháng 6/2022, lượng mưa tại đây chạm ngưỡng 1.004 mm.
Làng Mawsynram hứng chịu tới 11.872 mm mưa mỗi năm, gấp hơn 20 lần so với London. Ảnh: Amos Chapple.
Nguyên nhân nằm ở vị trí và địa hình đặc biệt. Mawsynram tọa lạc trên cao nguyên Shillong, ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển. Khu vực này nằm trực diện với gió mùa từ Vịnh Bengal. Khi gió ẩm thổi đến và va vào đồi Khasi, nó bị đẩy lên cao, ngưng tụ nhanh chóng và gây ra những trận mưa không ngừng. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng orographic, cũng là yếu tố chính tạo nên khí hậu ẩm ướt nổi tiếng nơi đây.
Với hơn 4.000 cư dân, cuộc sống tại làng Mawsynram là chuỗi ngày chung sống với mưa dày đặc, đặc biệt trong mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9. Khi mùa mưa tới, tiếng mưa rơi xuống gây ra âm thanh ồn ào tới mức học sinh không thể nghe thấy tiếng giáo viên giảng bài. Nhằm giảm tiếng ồn, người dân tại đây đã nghĩ ra cách lót những lớp cỏ dày lên mái.
Ngoài ra, để chống chọi với tình hình mưa dai dẳng, người dân chế tạo ra một loại “áo mưa” có tên Knups với hình dạng như chiếc thuyền được làm từ tre và lá chuối. Chiếc "áo mưa" độc đáo này giúp người dân có thể đứng làm việc bình thường bằng cả 2 tay mà không lo bị ướt.
Bên cạnh đó, thay vì những cây cầu gỗ dễ mục, người dân tự tay đan rễ cây cao su thành cây cầu "sống" để đi lại, có thể tồn tại hàng thế kỷ. Những cây cầu “sống” dài tới 30 m, có thể chịu được tải trọng của 50 người. Không chỉ những chiếc cầu, người dân ở đây còn dùng rễ cây để làm ra những công trình khác ví dụ như những bậc thang để đi lên những đoạn đường dốc.
Áo mưa đặc biệt với hình dạng như chiếc thuyền được người dân ở nơi mưa nhiều nhất hành tinh sáng chế để thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt. Ảnh: Amos Chapple.
Đặc biệt, dù thời tiết khắc nghiệt, Mawsynram không thiếu du khách. Những người mê khám phá thiên nhiên hoang sơ thường tìm đến để tận mắt chứng kiến một trong những nơi ẩm ướt nhất thế giới. Làng cách sân bay Shillong (Umroi) khoảng 86 km, du khách sẽ mất khoảng 3 giờ lái xe xuyên qua những ngọn đồi và thung lũng mới đến nơi.
Du khách đến đây được chiêm ngưỡng cảnh mây cuộn tròn bên vách núi thẳng đứng hoặc mây "bay thẳng" vào nhà. Thậm chí, có người cho biết họ dường như có thể chạm, ngửi thấy "mùi mây" mà không đâu có được.
Một nghịch lý oái oăm xảy ra ở nơi được mệnh danh là "nơi ẩm ướt nhất thế giới" cũng phải đối mặt với tình trạng khô hạn vào mùa hè (từ khoảng tháng 10). Trong giai đoạn này, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên do hệ thống tích trữ nước không đủ đáp ứng nhu cầu sau nhiều tháng mưa lớn.
Nước mưa dồi dào, nhưng phần lớn lại chảy tràn qua địa hình dốc mà không được giữ lại hiệu quả. Khi mùa mưa kết thúc, các hồ chứa và suối cạn dần, để lại tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Người dân địa phương gọi giai đoạn này là "cuộc chiến vòi nước", bởi mỗi hộ gia đình chỉ được cấp nước trong hai khung giờ ngắn: hai giờ vào buổi sáng và hai giờ vào buổi tối.
Quỳnh Trang
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/ben-trong-ngoi-lang-am-uot-nhat-hanh-tinh-post1545580.html