Bên trong thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Mỹ với Saudi Arabia - Kỳ cuối

Bên trong thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Mỹ với Saudi Arabia - Kỳ cuối
8 giờ trướcBài gốc
Những tác động tiềm tàng tới khu vực
Thái tử Saudi Arabia (Ảrập Xêút) Mohammed bin Salman Al Saud (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng lịch sử nêu trên được đưa ra trong bối cảnh Saudi Arabia đang phải đối mặt với những thách thức quân sự kéo dài, đặc biệt là tại Yemen, nơi chiến dịch không kích chống lại phiến quân Houthi đã phơi bày những điểm yếu trong kiến trúc phòng thủ của vương quốc này.
Kể từ năm 2015, lực lượng Saudi Arabia đã tiến hành hàng nghìn cuộc không kích, chủ yếu dựa vào máy bay và đạn dược do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa của Houthi - thường được hỗ trợ công nghệ từ Iran - đã nhiều lần xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia, nhắm vào các cơ sở dầu mỏ và căn cứ quân sự.
Một cuộc tấn công năm 2019 nhằm vào các cơ sở dầu mỏ Abqaiq và Khurais của tập đoàn Aramco đã làm gián đoạn 5% nguồn cung dầu toàn cầu, làm nổi bật nhu cầu cấp bách của Saudi Arabia đối với hệ thống phòng thủ tên lửa vững chắc.
Các hệ thống mới, đặc biệt là THAAD và UAV MQ-9B SeaGuardian, được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng phát hiện và đánh chặn các mối đe dọa như vậy của Saudi Arabia dù hiệu quả thực tế sẽ phụ thuộc vào việc cải thiện huấn luyện và phối hợp trong nội bộ lực lượng quân đội nước này.
Trong lịch sử, mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Saudi Arabia đã là nền tảng chính của quan hệ song phương, bắt đầu từ cuộc gặp giữa Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Vua Abdulaziz Al Saud vào năm 1945.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã cung cấp cho Saudi Arabia các máy bay chiến đấu F-15 và máy bay cảnh báo sớm AWACS nhằm đối phó với ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực.
Năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã công bố một thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD với Saudi Arabia, nằm trong khuôn khổ hợp tác kéo dài 10 năm trị giá 350 tỷ USD.
Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã vấp phải chỉ trích vì tiến độ triển khai chậm chạp, với nhiều hợp đồng vẫn còn nằm ở giai đoạn lập kế hoạch.
Thỏa thuận hiện tại, được mô tả là mang tính cụ thể hơn, kế thừa những nỗ lực trước đây nhưng vẫn đối mặt với sự giám sát tương tự.
Quốc hội Mỹ phải phê duyệt thỏa thuận, và một số nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia cũng như vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen.
“Thỏa thuận bán vũ khí này sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách nâng cao an ninh cho một quốc gia đối tác”, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ tuyên bố trong một thông báo hồi đầu tháng, dù tuyên bố này liên quan đến một thương vụ nhỏ hơn trị giá 3,5 tỷ USD.
Thỏa thuận lịch sử nêu trên là một phần trong cam kết đầu tư trị giá 600 tỷ USD của Saudi Arabia vào Mỹ, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, công nghệ và hạ tầng cơ sở. Đài truyền hình quốc gia Saudi Arabia đưa tin rằng các thỏa thuận này nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của vương quốc theo chương trình “Tầm nhìn 2030” của Riyadh, nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong một diễn đàn đầu tư Mỹ - Ả Rập tại Riyadh, ông Trump đã ca ngợi thỏa thuận như một trụ cột trong chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của mình, dự đoán nó sẽ tạo ra việc làm và củng cố quan hệ kinh tế song phương.
“Những thỏa thuận đầu tiên trong gói hợp tác này sẽ củng cố an ninh năng lượng, ngành công nghiệp quốc phòng, vị thế công nghệ và khả năng tiếp cận hạ tầng toàn cầu của chúng ta”, Nhà Trắng tuyên bố trong một thông cáo.
Sự hiện diện của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu như Tổng giám đốc Aramco, ông Amin Nasser và Phó Tổng giám đốc dự án NEOM, ông Rayan Fayez tại diễn đàn cho thấy tầm quan trọng về mặt kinh tế của thỏa thuận này.
Ở cấp độ khu vực, thỏa thuận có thể làm gia tăng căng thẳng với Iran, quốc gia đã đẩy mạnh chương trình tên lửa và UAV nhằm phản ứng với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Các tên lửa Fateh-110 và Qiam-1 của Iran, với tầm bắn lên tới 800km, là mối đe dọa trực tiếp tới hạ tầng của Saudi Arabia, trong khi các lực lượng thân Tehran, bao gồm Houthi, ngày càng thể hiện sự tinh vi trong chiến tranh phi đối xứng.
Mỹ đặt mục tiêu đối phó lại điều này bằng cách trang bị cho Saudi Arabia những hệ thống có thể tích hợp vào mạng lưới phòng thủ tên lửa rộng hơn, có khả năng kết nối với lực lượng Mỹ và đồng minh trong vùng Vịnh. Tuy nhiên, thỏa thuận cũng mang nguy cơ làm leo thang một cuộc chạy đua vũ trang, khi Iran có thể tìm cách bắt kịp khả năng quân sự của Saudi Arabia, có thể với sự hỗ trợ từ Liên bang Nga hoặc Trung Quốc.
So với hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc mà Iran từng quan tâm, THAAD và Patriot của Mỹ có tỷ lệ đánh chặn vượt trội, nhưng lại có chi phí và yêu cầu bảo trì cao hơn, điều này có thể gây áp lực lên ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia.
Khói bốc lên từ sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel sau vụ tấn công bằng tên lửa của Houthi ngày 4/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thỏa thuận này cũng sẽ tác động đến các đồng minh phức tạp của Mỹ trong khu vực. Israel, một đối tác then chốt, đã bày tỏ lo ngại về việc bán vũ khí hiện đại cho các quốc gia Arab, vì lo ngại rằng điều đó sẽ làm suy giảm lợi thế quân sự vượt trội của họ.
Các Hiệp định Abraham do chính quyền Trump làm trung gian vào năm 2020 đã bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số quốc gia vùng Vịnh, nhưng Saudi Arabia vẫn đặt điều kiện cho việc bình thường hóa là phải có tiến triển trong việc thành lập một nhà nước Palestine – một triển vọng bị phức tạp hóa bởi xung đột đang diễn ra tại Gaza.
Ông Trump bày tỏ hy vọng rằng Saudi Arabia sẽ tham gia vào các hiệp định này, nhưng giới phân tích cho rằng điều đó khó xảy ra trong tương lai gần.
“Cuộc chiến ở Gaza đã tước đi của ông ấy một mục tiêu mà ông rất khao khát: bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel”, hãng Reuters nhận định, dẫn lại lập trường của Riyadh về giải pháp hai nhà nước.
Đối với Saudi Arabia, thỏa thuận này là một bước tiến hướng tới tự chủ quân sự, dù vẫn còn nhiều thách thức. Các lực lượng vũ trang của vương quốc này đã gặp khó khăn trong việc vận hành đồng bộ và bảo trì các hệ thống tiên tiến, phụ thuộc nhiều vào các nhà thầu Mỹ. Việc bao gồm các chương trình huấn luyện trong thỏa thuận nhằm giải quyết điều này, với việc các chuyên gia Mỹ dự kiến sẽ hỗ trợ tích hợp các nền tảng mới.
Tuy nhiên, khả năng hấp thụ một lượng công nghệ khổng lồ như vậy của Saudi Arabia sẽ phụ thuộc vào những cải cách trong giáo dục và học thuyết quân sự - những lĩnh vực vẫn còn tiến triển không đồng đều. Ví dụ, khả năng hậu cần của máy bay C-130J có thể giúp hợp lý hóa các chiến dịch tại Yemen, nhưng chỉ khi các phi công Saudi Arabia được đào tạo đầy đủ để khai thác hết tiềm năng của loại máy bay này.
Từ góc độ của Mỹ, thỏa thuận giúp củng cố chỗ đứng chiến lược của nước này tại vùng Vịnh, đồng thời đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Việc Saudi Arabia từng cân nhắc sử dụng vũ khí Trung Quốc như tên lửa đạn đạo DF-21 đã gây lo ngại tại Washington về nguy cơ mất một đồng minh chủ chốt.
Bằng việc đặt cược lớn vào các hệ thống của Mỹ, thỏa thuận đảm bảo rằng Saudi Arabia vẫn gắn liền với chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn của Mỹ – điều này tuy hạn chế quyền tự chủ chiến lược nhưng lại nâng cao khả năng tác chiến chung với lực lượng Mỹ.
Điều này phù hợp với chiến lược “răn đe tích hợp” mà Lầu Năm Góc đang theo đuổi, trong đó năng lực của các đồng minh sẽ khuếch đại khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên, thành công lâu dài của thỏa thuận phụ thuộc vào việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn và khả năng của Saudi Arabia trong việc chuyển hóa đầu tư thành hiệu quả vận hành thực tế.
Khi dư luận lắng xuống sau thỏa thuận lịch sử này, những tác động của nó không chỉ phản ánh trên sổ sách kế toán của các nhà thầu quốc phòng. Việc trang bị vũ khí hiện đại cho Saudi Arabia có thể làm thay đổi cán cân an ninh Trung Đông, mang đến cho Riyadh một lá chắn vững chắc hơn trước Iran, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ căng thẳng trong một khu vực vốn đã đầy biến động.
Sức mạnh công nghệ của các hệ thống như MQ-9B SeaGuardian và THAAD là điều không thể phủ nhận, nhưng hiệu quả thực sự sẽ phụ thuộc vào khả năng vận hành của Saudi Arabia.
Về phía Mỹ, thỏa thuận này củng cố vai trò là nhà cung cấp vũ khí chính cho vùng Vịnh, nhưng cũng là phép thử đối với khả năng của Washington trong việc quản lý các liên minh chồng chéo và ngăn chặn những leo thang ngoài ý muốn.
Liệu mối quan hệ đối tác này có mở ra một kỷ nguyên ổn định mới, hay sẽ làm bùng phát một chu kỳ cạnh tranh và trả đũa? Chỉ thời gian mới có thể trả lời – và câu trả lời nằm trong những sa mạc của Arab và hành lang quyền lực của Điện Capitol.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ben-trong-thoa-thuan-quoc-phong-lon-nhat-trong-lich-su-my-voi-saudi-arabia-ky-cuoi-20250514103518065.htm