Bệnh càng thêm nặng vì tin vào 'bác sĩ Google'

Bệnh càng thêm nặng vì tin vào 'bác sĩ Google'
21 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang điều trị cho bệnh nhi nhập viện vì bố mẹ tự điều trị cho trẻ bằng phương pháp trên mạng. Ảnh: Đức Trân.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ sở y tế này mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm do tự ý điều trị bệnh gout tại nhà. Cụ thể, bệnh nhân N.T.K. (nam, 48 tuổi, ở Lạng Giang, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng suy kiệt toàn thân, có dấu hiệu phù, sốt cao kéo dài 39-40°C suốt 10 ngày. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân phải hỗ trợ thở máy do suy hô hấp nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện của sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng với các dấu hiệu huyết áp thấp, mạch nhanh, nhịp tim nhanh…
Khai thác tiền sử cho thấy, hơn 1 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tổn thương ở cổ chân phải, nhưng khi khối u vỡ và chảy dịch, thay vì đến cơ sở y tế, bệnh nhân lại tự điều trị tại nhà, với sự hỗ trợ của “bác sĩ Google” và những bài thuốc truyền miệng. Thời gian đầu, bệnh nhân có thể chịu đựng được nhưng khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn với các biểu hiện sốt cao liên tục (39 – 40°C), vết thương chảy mủ nhiều hơn, sưng đau, nhiễm trùng lan rộng. Bệnh nhân đã được đưa đến cơ sở y tế để điều trị, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ một vết thương ở cổ chân phải bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Vùng cổ chân của bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, chảy nhiều mủ vàng, nhiễm trùng lan rộng từ bàn chân lên cẳng chân và đùi.
ThS.BS Lương Hương Giang - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Tổn thương này xuất phát từ việc khối u tại cổ chân (khối u là do tinh thể acid uric lắng đọng lại tại mô mềm sau một thời gian dài không kiểm soát acid uric máu) - một dấu hiệu đặc trưng của bệnh gout - bị vỡ. Thay vì đến bệnh viện để được xử lý đúng cách, bệnh nhân tự bôi thuốc và tiêm thuốc tại nhà, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngày càng nghiêm trọng”.
Các bác sĩ cũng phát hiện, bệnh nhân này đã được chẩn đoán mắc bệnh gout từ năm 2016 trên nền bị tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không tuân thủ điều trị, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc. Sự lạm dụng thuốc này không chỉ khiến bệnh gout tiến triển xấu hơn mà còn làm suy yếu sức đề kháng, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng thông tin, về trường hợp bệnh nhân (nam, 49 tuổi) đã phải cắt bỏ tinh hoàn vì đặt niềm tin sai chỗ. Theo đó, trước khi nhập viện, bệnh nhân cảm thấy đau nhẹ ở vùng dưới bụng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, một bên tinh hoàn căng tức và đau nhức. Thay vì đến bệnh viện, bệnh nhân đã tự tìm kiếm thông tin trên mạng và chẩn đoán mình bị viêm tinh hoàn. Bệnh nhân đã tự mua thuốc kháng sinh, giảm đau và chống viêm để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
ThS.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bệnh nhân nhập viện quá muộn, không thể cứu chữa được nữa và phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bộ phận đã bị hoại tử. Nếu bệnh nhân đến sớm hơn có thể bảo toàn thương tổn.
BS Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) cho biết, việc tìm kiếm thông tin chữa bệnh trên Internet nếu không được kiểm chứng sẽ rất bất lợi. Điều đó không chỉ nguy hiểm cho người bệnh, mà còn cả cộng đồng. “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhiều người dân ngại đi khám bệnh, sợ mất thời gian, sợ mất tiền đi lại. Thay vì đặt niềm tin vào các y bác sĩ, bệnh nhân lựa chọn tin tưởng vào những thông tin trên mạng trong khi bản thân không có kiến thức nền để có thể tự kiểm chứng. Không những thế, sự đáp ứng miễn dịch, khả năng dung nạp và hấp thụ thuốc cũng như các sản phẩm chữa bệnh của mỗi con người là khác nhau. Trong y học, mỗi bệnh sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Có thể cùng một bệnh sốt siêu vi, nhưng người A sẽ được điều trị khác và người B lại có phác đồ điều trị khác. Tùy vào cơ địa từng người sẽ có từng loại thuốc khác nhau, có thời gian theo dõi và chỉ định khác nhau. Do vậy việc tin theo phương pháp chung trên mạng mà áp dụng cho nhiều người là rất nguy hiểm. Điều đó không những khiến bệnh nặng hơn, mà còn có thể vô tình tước mất cơ hội được sống, quyền được điều trị tốt tại bệnh viện” – BS An phân tích.
Bác sĩ khuyến cáo, các trang web thông tin về y tế và bệnh tật có thể hữu ích ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, việc người bệnh tìm hiểu, tự ý chữa bệnh bằng các thông tin không được kiểm chứng sẽ vô cùng rủi ro. Người dân phải xem xét cẩn thận và rất cần có sự tư vấn, hỗ trợ kiến thức đầy đủ từ các bác sĩ chuyên ngành.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/benh-cang-them-nang-vi-tin-vao-bac-si-google-10298465.html