PGS-TS-BS Nguyễn Trọng Hào – Chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM, đã nhấn mạnh quan điểm trên tại Hội nghị khoa học thường niên Hội Da liễu TP.HCM lần thứ 21 với chủ đề “Phối hợp liên ngành trong chuyên khoa da liễu”, diễn ra vào sáng nay (25.5).
Nhìn làn da để biết bệnh nhân mắc bệnh gì
Theo bác sĩ Hào, làn da của chúng ta giống như một cái cửa sổ, và chính cửa sổ này sẽ nhìn vào bên trong để biết được những bệnh lý khác. Làn da giống như một kết nối giữa bề mặt da với các bệnh lý bên trong.
Bệnh nhân mắc bệnh lý da liễu cũng có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh bên trong nguy hiểm khác - Ảnh: minh họa
"Lâu nay, nhìn qua lăng kính chúng ta cứ nghĩ bác sĩ da liễu chỉ trị mụn, trị chàm, thỉnh thoảng xử lý nốt ruồi. Đó chỉ là quan điểm xưa, còn giờ đây bác sĩ da liễu đã làm nhiều hơn thế, là hạt nhân trong phối hợp các chuyên ngành để xử lý nhiều bệnh khác nhau”, bác sĩ Hào nhấn mạnh.
Vai trò của bác sĩ da liễu, chuyên ngành da liễu càng ngày được khẳng định trong việc xử lý các bệnh lý phức tạp. Chỉ có bác sĩ da liễu mới có thể nhận định được các dấu hiệu về da để chẩn đoán được những bệnh lý bên trong như: bệnh gan, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, thận, rối loạn tuyến giáp… Ngoài ra, bác sĩ da liễu còn có vai trò quan trọng trong việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư.
Phân tích của bác sĩ Hào cho thấy chuyên ngành da liễu không chỉ làm việc ở chuyên ngành da liễu mà còn có vai trò trong việc phối hợp với các chuyên ngành khác để xử lý nhiều bệnh lý khác nhau.
“Làn da là cơ quan cho biết mọi thứ về bệnh lý của chúng ta. Như vậy, chuyên ngành da liễu là chuyên ngành bao trùm”, bác sĩ Hào nói.
Bác sĩ Hào dẫn chứng để xử lý bệnh lý viêm da cơ địa, nếu một mình bác sĩ da liễu sẽ rất khó xử lý. Bác sĩ da liễu sẽ là cầu nối với chuyên ngành khác, chuyên khoa khác để xử lý toàn diện căn bệnh viêm da cơ địa một cách tối ưu. Nếu một người bị viêm da cơ địa có viêm mũi dị ứng kèm theo, hay dị ứng thức ăn… thì cần phải có sự kết nối với các chuyên khoa khác.
Bệnh da liễu cần phối hợp với nhiều chuyên khoa khác
Theo bác sĩ Hào, hiện nay các môn phối hợp liên ngành trong chuyên khoa da liễu rất nhiều như: bệnh tự miễn, tự viêm; rối loạn di truyền, phản ứng thuốc; tâm thần; nội tiết; lão khoa; nhiễm trùng; ung thư; y tế công cộng…
Trong đó, bệnh tự miễn, tự viêm (nhóm bệnh thấp khớp) là một bệnh lý rất quen thuộc với bác sĩ da liễu. Hiện nay có rất nhiều chứng cứ về dịch tễ học, lâm sàng, di truyền học cho thấy bệnh nhân bị vảy nến có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý như: tim mạch, gan, béo phì, đái tháo đường… đặc biệt là bệnh viêm khớp vảy nến. “Như vậy, với bệnh vảy nến phải có sự phối hợp chuyên ngành giữa bác sĩ tim mạch, nội tiết, đái tháo đường, khớp… mới điều trị tối ưu”, bác sĩ Hào nói.
Đối với bệnh di truyền, thống kê cho thấy có 1/3 các rối loạn di truyền có biểu hiện ngoài da. Điều này có nghĩa bác sĩ da liễu có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các bệnh lý di truyền. Các rối loạn di truyền ở da có khả năng bệnh nhân bị những vấn đề liên quan đến da cần phải xử lý lâu dài, thậm chí suốt đời. Lúc này, bác sĩ da liễu là người có vai trò trung tâm, đưa ra kế hoạch chăm sóc và điều trị; đồng thời hợp tác với các dịch vụ hỗ trợ để hỗ trợ toàn diện cho bệnh nhân, phối hợp vớ bác sĩ di truyền, quản lý bệnh nhân một cách tối ưu.
Bệnh lý rối loạn da tâm thần được chia thành 4 nhóm gồm: rối loạn tâm sinh lý, rối loạn tâm thần nguyên phát, rối loạn tâm thần thứ phát, rối loạn cảm giác. Ở rối loạn tâm sinh lý có viêm da cơ địa, vảy nến, nổi mụn trứng cá… sẽ bị bùng phát với tình trạng bệnh tâm thần; rối loạn tâm thần nguyên phát thì hoàn toàn không có vấn đề về da, bệnh nhân chỉ bị rối loạn tâm thần; còn rối loạn tâm thần thứ phát là do gánh nặng bệnh tật như: bạch biến, stress…
“Hiện nay, bệnh da tâm thần rất nhiều, nên cơ hội để bác sĩ da liễu gặp bệnh da tâm thần ngày càng cao. Do đó, bác sĩ da liễu cần trang bị thêm kiến thức về căn bệnh tâm thần để xử lý bệnh lý tâm thần da hiệu quả hơn”, bác sĩ Hào đề nghị.
Riêng ở lĩnh vực y tế công cộng, chuyên ngành da liễu có vai trò quan trọng trong các chương trình phòng ngừa ung thư da, chống tác hại ánh nắng, nhận biết các dấu hiệu bệnh da nặng; đồng thời có vai trò tích cực trong phòng chống các đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ, thủy đậu, ghẻ, chốc... trong cộng đồng.
“Bác sĩ da liễu không chỉ chuyên về da mà cần tư duy phối hợp, không chỉ khám chữa bệnh mà con đóng vai trò trong dự phòng, giáo dục sức khỏe và tham gia vào chính sách y tế”, bác sĩ Hào nhấn mạnh.
Hồ Quang