Ảnh: DW
"Bí ẩn cuối cùng đã được giải đáp. Đây là trường hợp sốt rét nặng dưới dạng bệnh lý hô hấp", Bộ Y tế Congo tuyên bố hôm 17/12. Tiến sĩ Diedonne Mwamba, Tổng giám đốc Viện Y tế Công cộng Quốc gia Congo, cho biết: "Chúng tôi đang trong tình trạng báo động tối đa. Tại vùng Panzi, tỷ lệ suy dinh dưỡng lên tới 40%, cùng với việc từng xảy ra dịch thương hàn lớn cách đây 2 năm. Những yếu tố này khiến người dân dễ bị tổn thương hơn".
Thông báo cho biết đã có 592 ca bệnh được ghi nhận kể từ tháng 10, với tỷ lệ tử vong là 6,2%. Chính quyền địa phương cho biết căn bệnh đã khiến 143 người tử vong trong tháng 11. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đang xét nghiệm, điều tra và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Các triệu chứng của bệnh là sốt, nhức đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ thể. Theo các cơ quan y tế quốc gia, hầu hết trường hợp mắc bệnh và tử vong là trẻ em dưới 14 tuổi, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm phần lớn. Bộ trưởng Y tế Congo Roger Kamba cho biết vào đầu tháng này các trẻ em và người bệnh đã tử vong do suy hô hấp, đồng thời lưu ý một số bệnh nhân bị thiếu máu, đây là nguyên nhân gây ra tử vong liên quan đến căn bệnh này.
Bộ Y tế Congo thông báo căn bệnh chưa được xác định trước đó đang lây lan tại khu vực y tế Panzi của nước này thực chất là một dạng sốt rét nặng.
Một số mẫu bệnh phẩm đã được chuyển đến phòng thí nghiệm của WHO ở Kinshasa, cách Panzi khoảng 48 giờ lái xe. Theo ông Apollinaire Yumba, Giám đốc Cơ quan Y tế Panzi, WHO đã cung cấp thuốc chống sốt rét cho bệnh viện và các trung tâm y tế.
“Trong số 12 mẫu bệnh ban đầu được thu thập, 10 mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sốt rét, mặc dù có khả năng có nhiều hơn một loại bệnh liên quan đến đợt bùng phát lần này. Các mẫu bệnh tiếp theo sẽ được thu thập và xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông Apollinaire Yumba nói với Reuters rằng thuốc chống sốt rét do WHO cung cấp đang được phân phát tại các bệnh viện chính và các trạm y tế trong khu vực y tế Panzi. Một phát ngôn viên của WHO cũng cho biết các bộ dụng cụ y tế cho các ca bệnh vừa và nặng dự kiến sẽ đến trong ngày 18/12.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, khen ngợi các quan chức y tế Congo vì nỗ lực khắc phục dịch bệnh của họ. Các quan chức đã nhận ra cụm bệnh này đủ bất thường để báo cáo cho WHO. "Đây là dấu hiệu của một hệ thống đang hoạt động tốt, ngay cả trong một môi trường khắc nghiệt", ông nói.
Dù vậy, WHO hiện đánh giá mức độ nguy cơ của dịch bệnh đối với cộng đồng tại khu vực xảy ra dịch là cao. Điều này xuất phát từ những hạn chế trong điều kiện sống, dịch vụ y tế và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đồng thời, các cụm ca bệnh trong gia đình làm gia tăng lo ngại về khả năng lây lan nội địa. Prosper Kiswemba, ủy viên hội đồng địa phương ở Kenge, lo lắng kế hoạch du lịch cuối năm của người dân trong khu vực có thể khiến bệnh lây lan nhanh hơn.
WHO cho biết nhiều mẫu bệnh phẩm khác cũng đang trên đường đến phòng thí nghiệm.
Ông Kiswemba cho rằng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ như đo nhiệt độ và lắp đặt trạm rửa tay dọc các tuyến đường dẫn đến Panzi. Một chuyên gia y tế phỏng đoán bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ngành y tế Congo đã phỏng vấn một số bệnh nhân, hầu hết thừa nhận đã tiếp xúc với một số động vật hoang dã vài ngày trước khi bị ốm. Để an toàn, ông Kiswemba cho rằng chính phủ nên khuyến cáo người dân giảm tiếp xúc với thú hoang.
Hai năm trước, Panzi đã trải qua dịch sốt thương hàn. Khu vực này cũng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp, khiến trẻ em dễ mắc nhiều bệnh. Bệnh mới xuất hiện trong bối cảnh các bác sĩ ở Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn đang giải quyết dịch bệnh đậu mùa khỉ, với ít nhất 40.000 ca mắc và hơn 1.000 người tử vong được báo cáo.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh. Bộ Y tế Thái Lan đã ban hành cảnh báo khẩn cấp đến toàn bộ hệ thống y tế, yêu cầu tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển của người dân và mọi thông tin cập nhật về căn bệnh này. Tại Hong Kong (Trung Quốc), các biện pháp kiểm tra sức khỏe đối với hành khách trên các chuyến bay từ Johannesburg và Addis Ababa, các địa điểm mà du khách từ Congo có thể sử dụng để trung chuyển cũng đã được tăng cường.
Tại Việt Nam, theo Sở Y tế TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không có đường bay thẳng từ CHDC Congo. Hành khách ở quốc gia trên sẽ phải quá cảnh qua các nước thuộc khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á trước khi có thể đến Tân Sơn Nhất. Hơn nữa, 4 sân bay quốc tế của Congo đều không thuộc khu vực đang có dịch theo báo cáo của WHO.
Một chuyên gia y tế phỏng đoán bệnh có nguồn gốc từ động vật.
Dù vậy, để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, liên tục liên hệ, kết nối các đơn vị để cập nhật thông tin. Bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế của HCDC sẽ túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP.HCM để giám sát liên tục hành khách nhập cảnh qua hệ thống đo thân nhiệt từ xa, quan sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe trong khi hành khách vẫn di chuyển bình thường.
Tương tự, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội. Qua đó nhằm phát hiện sớm các ca mắc, nghi mắc đến Hà Nội để thực hiện các phương án phòng, chống phù hợp, kịp thời.
Cục Y tế dự phòng cho biết sẽ phối hợp với WHO và đầu mối IHR các quốc gia cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Trường hợp có các diễn biến mới, cục sẽ phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các đáp ứng phù hợp, bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế.
Hoài Phương