Bệnh nhân sởi tăng cao, tỉnh Bình Dương 'thúc' tiêm nhanh vaccine

Bệnh nhân sởi tăng cao, tỉnh Bình Dương 'thúc' tiêm nhanh vaccine
4 giờ trướcBài gốc
Trong năm 2023, Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Bình Dương không tiếp nhận bệnh nhi điều trị do bệnh sởi. Thế nhưng, từ khoảng đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày, khoa điều trị cho 10-15 trường hợp mắc sởi, chủ yếu bệnh nhi dưới 10 tuổi. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccien phòng bệnh sởi.
Con trai của anh V.H.D ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương 11 tuổi, đã tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Vì thế, khi con có dấu hiệu như sốt cao, ho, đỏ mắt…ngày càng nặng, anh D. đưa con vào BVĐK tỉnh Bình Dương khám và được xác định mắc sởi, cháu được chỉ định nhập viện điều trị. Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Nhi, sức khỏe của con anh D. đã tốt hơn, giảm ho và bớt đỏ mắt, hết sốt. "Hồi nhỏ, con hay ốm đau nên chỉ cho tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Vào bệnh viện mới biết có nhiều bệnh nhân cùng mắc sởi, tôi khá lo lắng cho cháu", anh D. nói.
Dù sởi không phải là bệnh mới, nhưng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây các biến chứng, đe dọa sức khỏe của trẻ em, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Theo lãnh đạo Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Bình Dương cho biết, trẻ nhỏ dễ bị lây nhiễm bệnh sởi do hệ miễn dịch còn yếu, nhất là những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Những trẻ có cơ địa suy dinh dưỡng, bệnh lý nền mắc bệnh sởi sẽ có nhiều khả năng gặp các biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, viêm màng não. Khi trẻ có triệu chứng sốt và phát ban, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà bởi bệnh sởi diễn tiến nặng nhanh, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Bình Dương phối hợp với ngành GD-ĐT, đã tăng cường rà soát các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi để mời ra trạm y tế tiêm bù, tiêm vét; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch. Cơ sở khám, chữa bệnh y tế tư nhân phải gửi thông tin các ca bệnh truyền nhiễm cho ngành Y tế..Ngành GD-ĐT chỉ đạo các trường học phải kịp thời phát hiện các ca bệnh và báo cho trạm y tế địa phương. Việc làm này giúp ngành y tế kịp thời giám sát, điều tra dịch tễ và xử lý ổ dịch, ngăn ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng.
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác tiêm vaccine và phòng, chống sởi trên địa bàn. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở liên quan tiếp tục tăng cường và triển khai công tác tiêm vaccine phòng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh năm 2024, phấn đấu triển khai đạt ít nhất 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành và UBND các huyện, thành phố huy động nhân lực hỗ trợ các hoạt động truyền thông, tổ chức triển khai tiêm vắc xin tại các điểm tiêm khu phố, ấp.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh, chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát. Tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp, không được bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.
Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường học phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR).
Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương từ đầu năm 2024, tỉnh này ghi nhận gần 3.000 ca nghi ngờ mắc sởi, trong đó xác định 466 ca mắc sởi, tăng cao so với năm 2023. Kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi phải đạt trên 95% nhưng hiện Bình Dương mới chỉ đạt 89%.
Kim Oanh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/benh-nhan-soi-tang-cao-tinh-binh-duong-thuc-tiem-nhanh-vaccine-169241218102347976.htm