Bệnh nhân nhập viện do cúm A tăng, người dân cần chủ động phòng ngừa

Bệnh nhân nhập viện do cúm A tăng, người dân cần chủ động phòng ngừa
9 giờ trướcBài gốc
Số ca cúm A tăng cao
Theo bác sĩ Ong Thị Hương, Trưởng Khoa Hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số bệnh nhi nhập viện điều trị cúm A tại khoa tăng đột biến. Thời điểm sáng 12/2, khoa đang điều trị cho 22 bệnh nhi mắc cúm A, tăng hơn 3 lần so với 2 tuần trước đó.
Bác sĩ Ong Thị Hương thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A.
Cháu Trần Bích Diệp (SN 2022), phường Song Mai (TP Bắc Giang) có biểu hiện sốt từ ngày 8/2. Nghĩ con chỉ cúm thông thường, gia đình mua thuốc về cho bé uống nhưng vẫn không hạ sốt. Sáng 11/2, thấy con sốt cao 39,5 độ C, gia đình đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang khám, được xác định bị cúm A và viêm phế quản.
Hai con của anh Nguyễn Trung Đức (SN 1995), xã Hương Mai (TX Việt Yên) là cháu Nguyễn Trung Nhân (SN 2023) và Nguyễn Thị Duyên (SN 2024) cũng được xác định nhiễm cúm A sau 3 ngày điều trị sốt ở nhà không khỏi. “Trong số những bệnh nhi đang điều trị cúm A tại khoa, chỉ có khoảng 30% đã tiêm vắc-xin phòng cúm. Đáng chú ý, hầu hết đều tự điều trị tại nhà 2-4 ngày nên khi nhập viện bệnh đã chuyển nặng, nhiều trường hợp bị cả cúm A và viêm phế quản”, bác sĩ Hương nói.
Không chỉ tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, ở hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, TX, TP, số bệnh nhân đến khám, điều trị cúm A cũng tăng so với trước. Thông tin từ Trung tâm Y tế TX Việt Yên, 1 tuần gần đây, trung bình mỗi ngày, Trung tâm khám, điều trị cho từ 7-10 bệnh nhân nhiễm cúm A (chủ yếu là người già, trẻ nhỏ).
Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế TX Việt Yên) thăm khám cho một bệnh nhân bị cúm A.
Từ ngày 3/2 đến nay, Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Sông Thương) thực hiện test cúm A cho 65 trường hợp, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), một tuần nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị cúm A tăng, thường xuyên có từ 10-12 bệnh nhân điều trị cúm A, trong khi những tháng trước đó Trung tâm chỉ có từ 5-7 bệnh nhân điều trị cúm A. Trưa 12/2, Trung tâm có 24 bệnh nhân đang điều trị cúm A, trong đó có 2 trường hợp nặng phải thở oxy. Ngoài 24 trường hợp cúm A đang điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn có 1 trường hợp cúm A rất nặng, phải thở máy không xâm nhập tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Không chủ quan với các triệu chứng
Thống kê của Sở Y tế, từ ngày 1/1/2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.607 ca mắc cúm (trong đó có 617 ca cúm A), tăng 1.041 ca so với cùng kỳ năm 2024. Theo các bác sĩ, người mắc cúm A có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém. Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt là ở người già, trẻ nhỏ. Với người lớn có trường hợp bị choáng, ngã; trẻ nhỏ xuất hiện cơn co giật khi sốt cao.
Một trường hợp mắc cúm A nặng phải thở oxy tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Đang được điều trị Trung tâm Y tế TX Việt Yên, bệnh nhân Nguyễn Văn Khoa (SN 1967), trú tại xã Minh Đức (TX Việt Yên) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trước đó, ông bị các triệu chứng ho, sốt, khó thở, tự điều trị tại nhà 3 ngày nhưng tình trạng không cải thiện nên ngày 9/2, gia đình đưa ông đến Trung tâm Y tế TX Việt Yên khám, xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A. Tương tự, hai trường hợp đang phải thở oxy tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng có bệnh lý nền như: Tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, nhồi máu não…
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm, nhất là trẻ em, người già sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời”.
Trước diễn biến của các bệnh truyền nhiễm, ngày 12/2, UBND tỉnh có văn bản về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TX, TP đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hệ thống giám sát tại cơ sở, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc, không để dịch bùng phát, lan rộng. Bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện. Hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như: Người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...
Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong cơ cở khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm đầy đủ thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ; kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, học sinh và người dân về nguy cơ mắc và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, bệnh sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt ở những người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý mạn tính, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai… Khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm; tiêm vắc-xin có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính theo mùa với các triệu chứng: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Các chủng virus cúm A như: H1N1, H3N2 có khả năng biến đổi liên tục, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch theo chu kỳ hằng năm hoặc vài năm.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm A, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Khi thấy có dấu hiệu như: Khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều, người bệnh cần đi khám để điều trị, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Để bệnh không diễn biến nặng, người dân không nên chủ quan với các triệu chứng. Khi bị ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, nhất là khi triệu chứng nặng như: Sốt trên 39 độ C, đau mỏi người quá mức, vật vã kích thích… Cùng đó, người dân nên chủ động tiêm phòng cúm trước mùa đông hằng năm để phòng bệnh hiệu quả hơn; không nên tự ý mua thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi dễ gây tình trạng kháng thuốc”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/benh-nhan-nhap-vien-do-cum-a-tang-nguoi-dan-can-chu-dong-phong-ngua-postid412651.bbg