Cúm mùa chuyển nặng, nhiều người nguy kịch... chớ coi thường

Cúm mùa chuyển nặng, nhiều người nguy kịch... chớ coi thường
7 giờ trướcBài gốc
“Bệnh cúm có thể nặng lên nhanh chóng gây viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết,… nguy hiểm đến tính mạng. Cần phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời, điều trị theo phác đồ, theo dõi chặt chẽ, cũng như phòng bệnh tích cực ngay từ đầu để tránh các biến chứng không đáng có”, ThS.BS Phạm Hồng Quảng, Phụ trách khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết.
Thảm kịch “một cơn cảm lạnh nhẹ” cướp đi mạng sống
BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, nữ diễn viên Từ Hy Viên (Đài Loan, Trung Quốc) qua đời vì bệnh viêm phổi do virus cúm chỉ trong 5 ngày là lời cảnh báo cúm thực sự nguy hiểm.
Ở Việt Nam, nhiều người nghĩ cúm chỉ là cảm lạnh thông thường và coi nhẹ. Thực tế, theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mỗi năm, trong đó có từ 3 – 5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290 – 650 ngàn ca tử vong.
Theo dữ liệu của CDC Hoa Kỳ, trong mùa cúm 2024 và đầu năm 2025, ước tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã có ít nhất 20 triệu ca mắc cúm, khoảng 250 ngàn ca nhập viện và 11 ngàn ca tử vong.
Bệnh nhân nhiễm cúm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - Ảnh BVCC
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 1/2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024 (769 trường hợp mắc). Cộng dồn năm 2024 có 7.133 trường hợp mắc, không ghi nhận ca tử vong.
Trường hợp bệnh nhân nam T.V.L, 78 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội), được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, khó thở. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Bệnh nhân bị suy hô hấp, các y bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, trong năm 2024 và đến thời điểm hiện nay, Trung tâm đã điều trị cho hàng ngàn ca bệnh cúm mùa. Gần đây, nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng... phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao. Những bệnh nhân nặng thường là người già, có bệnh nền.
Tương tự, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh cúm A nặng với bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp…
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từ đầu năm đến nay cũng tiếp nhận khoảng 500 ca mắc cúm, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho hơn 10 bệnh nhân nhiễm cúm nặng, suy hô hấp, suy đa tạng ... phải thở máy, có người phải đặt ECMO...
Cúm không phải là cảm lạnh nhẹ
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là cảm nhẹ và không đi khám sớm.
Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường phân tích, bệnh cúm mùa đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc, có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) là bệnh do virus cúm gây ra với các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.
“Cúm A là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, bệnh có thể nặng lên nhanh chóng gây viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết,… gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, với các bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm như: người cao tuổi, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận… cần được phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời, điều trị theo phác đồ, theo dõi chặt chẽ, cũng như phòng bệnh tích cực ngay từ đầu để tránh các biến chứng không đáng có”, ThS.BS Phạm Hồng Quảng nhấn mạnh.
Tận dụng 48 giờ vàng để bảo vệ mạng sống
Theo BS Trần Văn Phúc, về mặt bệnh lý, virus cúm xâm nhập vào cơ thể sẽ gây hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp, mất nhung mao và rối loạn chức năng tiết nhầy, giảm chức năng phòng vệ tại chỗ, từ đó gây ra nhiều biến chứng.
Trong đó, biến chứng phổ biến nhất là viêm phổi với triệu chứng: ho kèm khó thở, nhịp thở nhanh (>24 nhịp/phút), thiếu oxy và sốt kéo dài (>3 ngày). Các trường hợp viêm phổi nặng, có thể phát triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), hoặc suy đa phủ tạng thứ phát (MODS) đòi hỏi phải hỗ trợ sự sống chất lượng cao, thậm chí là ECMO.
Ngoài ra, người bệnh còn bị biến chứng tim mạch (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và suy tim... chiếm khoảng 12% bệnh cúm ở người lớn), biến chứng hệ thần kinh (co giật động kinh, viêm não, nhồi máu hay chảy máu não...), biến chứng viêm cơ nặng và tiêu cơ vân, sốc do nhiễm độc, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, bệnh nấm aspergillus...
Vì vậy, theo BS Phúc, những người bị cúm có nguy cơ biến chứng cao như trẻ dưới 15 tuổi, người bệnh trên 65 tuổi, người mắc các bệnh nền mãn tính..., cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để chẩn đoán chính xác bị cúm, bác sĩ tận dụng “48 giờ vàng” điều trị bằng thuốc kháng virus.
Những người dù không thuộc nhóm nguy cơ cao bị biến chứng, nhưng tiếp xúc với nhóm người có nguy cơ cao (ví dụ trong gia đình có trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền mãn tính), khi bị cúm nên điều trị bằng thuốc kháng virus bất kể triệu chứng hay thời gian quá 48 giờ, để giảm lượng virus, phòng lây nhiễm cho người thân trong gia đình.
Những người có các triệu chứng giống cúm, nếu bệnh nặng hơn, kéo dài quá 2 ngày, nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, sử dụng các loại thuốc kháng virus tương ứng để điều trị kịp thời.
BS Phúc cũng cảnh báo, các thuốc kháng virus là thuốc kê đơn, không nên tự ý mua thuốc sử dụng, việc dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ tăng kháng thuốc, cũng như các tác dụng không mong muốn. Nên nhớ “48 giờ vàng” tức là thuốc kháng virus chỉ nên uống trong thời gian 48 giờ.
Theo các chuyên gia, việc xét nghiệm cúm được chỉ định trong trường hợp nặng, có biến chứng phải nhập viện. Việc tự mua xét nghiệm kháng nguyên tại nhà không được các bác sĩ và ngành y tế khuyến khích, do ảnh hưởng của kỹ thuật lấy mẫu, cùng chất lượng kit – test, mà tỷ lệ chính xác dương tính có thể không đạt được mức mong đợi là 50% đến 70%.
Trường hợp cần thiết, có thể liên hệ với các cơ sở ý tế có dịch vụ xét nghiệm tại nhà, để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
Thúy Nga/ VietNamDaily
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/doi-song/cum-mua-chuyen-nang-nhieu-nguoi-nguy-kich-cho-coi-thuong-2080363.html