Bệnh nặng mới vào viện sẽ khó cứu chữa
Ngày 13/2, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Trần Võ Vinh Sơn - Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão học (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) cho biết, những ngày này thời tiết ở Khánh Hòa thất thường, nhiệt độ xuống thấp, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.
Vậy nên, trong 1 tuần qua, mỗi ngày có hơn 10 người cao tuổi bị đột quỵ, viêm phổi nặng phải vào Khoa Nội tim mạch - Lão học (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) cấp cứu. Đến ngày 13/2, đang có tổng cộng 250 bệnh nhân là người cao tuổi nằm điều trị. Nhiều người bệnh quá nặng nên khó cứu sống hoặc phải điều trị lâu dài.
"Mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày có 5 người cao tuổi bị đột quỵ, viêm phổi chuyển biến nặng phải đưa vào phòng hồi sức", ThS.BS Trần Võ Vinh Sơn nói.
Cũng theo ThS.BS Sơn, nhiều người cao tuổi bị viêm phổi hay đột quỵ nhẹ đã tự mua thuốc uống, đi phòng khám tư nhân, khi rất nặng mới nhập viện nên trong 7 ngày gần đây, nhiều người đã tử vong tại bệnh viện hoặc người nhà xin về. Điển hình như ngày 12/2, có 3 người cao tuổi viêm phổi quá nặng, tiên lượng tử vong nên gia đình xin cho về lo hậu sự.
ThS.BS Trần Võ Vinh Sơn hướng dẫn người dân cách chăm sóc cho người nhà cao tuổi bị đột quỵ.
Bệnh nhân tăng mạnh, bệnh viện phải bố trí thêm nhiều giường bệnh ở hành lang. Đồng thời, huy động tối đa các loại thuốc tốt nhất để phục vụ điều trị, cấp cứu.
Bác sĩ khuyến cáo gì cho người cao tuổi?
ThS.BS Trần Võ Vinh Sơn chia sẻ, đột quỵ và viêm phổi là 2 căn bệnh người cao tuổi hay mắc phải, nhất là khi thời tiết diễn biến thất thường. Vậy nên, khi người cao tuổi có triệu chứng ho, khạc ra đờm màu xanh, tức ngực, khó thở nên đến bệnh viện ngay vì đây là dấu hiệu viêm phổi. Còn khi thấy chóng mặt, tê hoặc yếu cơ, đau đầu không rõ lý do...cũng phải nhập viện ngay vì đây là dấu hiệu sớm của đột quỵ.
Người cao tuổi ở Khánh Hòa bị đột quỵ và viêm phổi tăng mạnh, BVĐK tỉnh Khánh Hòa phải bố trí thêm giường bệnh ở hành lang.
Để người cao tuổi phòng bệnh viêm phổi và đột quỵ, ThS.BS Trần Võ Vinh Sơn khuyến cáo: "Người cao tuổi phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng đầu, cổ và ngực. Hạn chế ra ngoài khi trời lạnh vào sáng sớm hoặc tối muộn. Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây và uống đủ nước ấm. Tập thể dục đều đặn, có thể tập ngay trong nhà. Tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Đồng thời, người cao tuổi cần kiểm soát tốt huyết áp vì huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Khi có bất thường cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cùng với đó, giữ mức đường huyết ổn định.
Người cao tuổi cũng có thể tiêm phòng cúm và phế cầu khuẩn vì việc tiêm vaccine cúm và vaccine phế cầu khuẩn có thể giảm đáng kể nguy cơ viêm phổi, đột quỵ và các biến chứng khác".
Đông Hưng