Gia tăng số người trẻ mắc 'bệnh người già'

Gia tăng số người trẻ mắc 'bệnh người già'
5 giờ trướcBài gốc
Dịp Tết Nguyên đán 2025 ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ. Ảnh: BVCC
Thông tin trên do ThS.BS Nguyễn Minh Anh (Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai) cung cấp. Theo đó, bệnh nhân đến khám cấp cứu, nhập viện với các triệu chứng lâm sàng đa dạng như biến chứng tăng huyết áp, rối loạn ngôn ngữ, ý thức, liệt nửa người... bệnh nhân cần hỗ trợ máy thở gia tăng.
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Trong số những bệnh nhân sống sót sau đột quỵ, bệnh nhân phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Hiện nay, có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18 đến 50 và số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng.
Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ giới.
"Trước đây, khi nói về đột quỵ, chúng ta thường nghĩ ngay đến bệnh của người trung niên hay cao tuổi. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận những năm gần đây cho thấy, đột quỵ đã "tấn công" mạnh vào nhóm người trẻ tuổi.
Con số 45% số bệnh nhân đột quỵ là người trẻ tại Bệnh viện Bạch Mai trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua là hồi chuông cảnh báo người trẻ trong việc giữ gìn sức khỏe để tránh nguy cơ bị đột quỵ", ThS.BS Nguyễn Minh Anh nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, ThS.BS Nguyễn Minh Anh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống thiếu điều độ như sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, thường xuyên sử dụng rượu, bia, thức khuya, tắm muộn và ít vận động.
Lối sống thiếu lành mạnh của người trẻ cũng dẫn tới sự trẻ hóa của các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tình trạng xơ vữa mạch, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, đái tháo đường… Thứ hai, nhiều người trẻ tuổi có tâm lý chủ quan trong giữ gìn sức khỏe, thiếu kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường không nghĩ mình có thể mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường.
"Nhiều bệnh nhân trẻ đến với chúng tôi khi huyết áp tăng trên 200 nhưng không nhận thức được rằng họ đang có nguy cơ rất cao bị đột quỵ", ThS.BS Minh Anh cho biết.
ThS.BS Minh Anh cũng cho hay, người bị đột quỵ nhập viện gia tăng dịp Tết vừa qua có thể do nhiều người ngại đi khám lại vì sát Tết, tự uống thuốc theo đơn cũ hoặc tự ý dừng thuốc, đợi ra Tết khám lại, không tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến nguy cơ cao, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh nền.
Cần duy trì lối sống khoa học
Để phòng ngừa nguy cơ trẻ hóa đột quỵ, theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115), người trẻ cần nhận thức đúng về nguy cơ đột quỵ, từ đó nghiêm túc duy trì lối sống khoa học.
Hạn chế thức khuya, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ; nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau, củ, quả và trái cây, hạn chế đồ ăn nhanh; tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas.
Không sử dụng các chất kích thích, thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu. Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ, khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường… giúp phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ hiệu quả.
BS Thắng cũng thông tin, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là "thời gian vàng" để cứu người bệnh bị đột quỵ. Sau 6 "giờ vàng" đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế.
Do đó, khi phát hiện người bệnh có những dấu hiệu khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên, tay yếu, nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói và một số triệu chứng khác như đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thị lực hoặc mất thăng bằng đột ngột…, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
* Tối mùng 5 Tết Ất Tỵ (tức ngày 2/2/2025), các y bác sỹ tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân 36 tuổi ở Hải Dương, được gia đình chuyển đến Trung tâm cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nói khó. Qua thăm khám, các bác sỹ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não, tắc động mạch trong não. May mắn là bệnh nhân đến bệnh viện vào giờ thứ 4 - 5 sau khi xảy ra tình trạng trên nên đã được can thiệp nội mạch, lấy huyết khối cơ học kịp thời.
* Trường hợp bệnh nhân 46 tuổi ở Cầu Giấy (Hà Nội) nhập viện ngày 29 Tết là người vốn có tiền sử tăng huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị, thường xuyên bỏ thuốc huyết áp. Kết quả phim chụp cho thấy, bệnh nhân bị chảy máu não kèm theo yếu nửa người trái nặng. Nguy cơ phù nề, chảy máu não cao, rơi vào tình trạng liệt, hôn mê sâu. Sau 5-6 ngày điều trị tích cực, ý thức bệnh nhân đã tỉnh táo, cơ lực tốt hơn nhưng vẫn còn yếu.
Hoàng Nguyên
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/gia-tang-so-nguoi-tre-mac-benh-nguoi-gia-20250212151054177.htm