Thông tin trao đổi tại tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua thử nghiệm lâm sàng” diễn ra hôm nay tại TP.HCM, do Pharma Group phối hợp với KPMG và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tổ chức.
Nhiều bên hưởng lợi từ thử nghiệm lâm sàng
BS.CKII Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, hiện đơn vị đang triển khai 37 nghiên cứu lâm sàng, trong đó phần lớn là hợp tác với các công ty dược đa quốc gia (Pharma), một phần do bệnh viện cũng chủ động phối hợp với các trung tâm ung thư trong khu vực để thực hiện những nghiên cứu độc lập, có giá trị học thuật và ứng dụng thực tiễn.
BS.CKII Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Theo BS Thuận, thử nghiệm lâm sàng không chỉ có lợi cho công ty dược, mà còn mang lại nhiều giá trị cho bệnh viện, giới học thuật, người bệnh và cả xã hội. Ví dụ, các nghiên cứu giai đoạn 3 hiện nay thường dùng thuốc thế hệ mới để so sánh với phác đồ chuẩn đang được áp dụng. Nhiều thuốc trong số này chưa có mặt tại Việt Nam và giá rất cao - có loại lên đến 300 triệu đồng mỗi chu kỳ điều trị (3 - 4 tuần). Tham gia nghiên cứu, bệnh nhân được dùng thuốc miễn phí - bất kể thuộc nhánh nào.
Ngoài việc giúp bệnh nhân tiếp cận điều trị hiện đại sớm hơn, các nghiên cứu này còn tạo điều kiện cho giới chuyên môn trong nước làm chủ dữ liệu, đánh giá hiệu quả thuốc trên quần thể người Việt. Từ đó, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian đưa thuốc mới vào thị trường.
Các đại biểu thảo luận về thách thức chính trong phát triển thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam
“Những thuốc thế hệ mới rất đắt đỏ chúng tôi cho những bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều miễn phí, đây đều là thuốc thế hệ mới. Khi thuốc nghiên cứu thành công, có thể rút ngắn thời gian đưa thuốc mới vào thị trường. Ngày xưa thuốc phê duyệt rồi ra thị trường thì phải chờ 3–5 năm nhưng nay chỉ cần 1 – 3 năm là thuốc đã về rồi”.
Theo ông Luke Treloar, Trưởng khối cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế, KPMG Việt Nam, cho biết nhìn vào thực tế, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã phát triển về nghiên cứu lâm sàng hơn Việt Nam rất xa.
Còn nhiều rào cản
Tính đến năm 2023, số thử nghiệm lâm sàng đang hoạt động ở Singapore là 535, ở Thái Lan là 496, Malaysia là 380, còn ở Việt Nam chỉ mới 141. Số thử nghiệm lâm sàng mới bắt đầu năm 2023 của các nước trên là 86-108, trong khi nước ta là 32.
Ông Luke Treloar, Trưởng khối cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế, KPMG Việt Nam
Chuyên gia chỉ ra 5 thách thức chính trong phát triển thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, gồm: quy trình phê duyệt kéo dài (6 - 12 tháng), hạ tầng nghiên cứu còn hạn chế (chỉ khoảng 40 cơ sở đạt chuẩn GCP), thiếu nhân lực chuyên môn, cơ chế tài chính chưa hoàn chỉnh và thiếu chính sách khuyến khích đầu tư.
Để khắc phục, chuyên gia đề xuất các biện pháp chính sách và phi chính sách theo lộ trình ngắn, trung và dài hạn. Nếu thực hiện hiệu quả, Việt Nam có thể đạt 86 thử nghiệm vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép 24,3%/năm và thị trường gần 750 triệu USD, tạo hàng nghìn việc làm chất lượng cao.
Giáo sư Guy Thwaites
Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng, Việt Nam có thể nâng cao đáng kể năng lực thử nghiệm lâm sàng bằng cách áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất. Thông qua việc đơn giản hóa các quy trình quản lý, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiên tiến và thúc đẩy các quan hệ đối tác năng động giữa khu vực công và tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về hiệu quả thử nghiệm và độ tin cậy của dữ liệu.
"Sự điều chỉnh chiến lược này không chỉ thúc đẩy đổi mới trong nghiên cứu điều trị mà còn định vị Việt Nam trở thành trung tâm khu vực cho các phương pháp điều trị tiên tiến cứu sống con người", Giáo sư Guy Thwaites nói.
Kim Dung/VOV-TP.HCM