Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả. Ảnh: TL.
Dịch sởi lan rộng
Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 2.438 ca sởi, 4 trường hợp tử vong. Ca tử vong mới nhất là một bé gái (1 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức), nhiễm trùng huyết, viêm phổi hậu sởi, cơ địa suy dinh dưỡng và thiểu sản phổi phải bẩm sinh.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có gần 4.000 ca mắc sởi. Số ca bệnh sởi tăng ở 9/11 huyện, thành phố, trừ Tân Phú và Long Khánh. Trong đó, tăng nhiều nhất ở huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất.
Theo CDC Hà Nội, năm 2024, thành phố ghi nhận 165 trường hợp mắc tại 27 quận, huyện, không có ca tử vong. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Theo ông Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, hiện nay đối tượng dễ tiếp cận tiêm vaccine lại là đối tượng ít nguy cơ, trong khi đối tượng khó tiếp cận là những trẻ em thuộc diện di biến động dân cư, là đối tượng nguy cơ cao. Đây là lý do dù vaccine đã bao phủ nhưng qua nhiều tuần, ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng hoặc không thể giảm.
Còn BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM thì cho rằng, diễn tiến dịch lan rộng là tất yếu khi nhiều địa phương không tiêm phòng đầy đủ, dịch bệnh có thể kéo dài đến tháng 6/2025. Đặc biệt, nếu không khống chế thì bệnh sẽ tấn công các đối tượng nguy cơ dẫn đến có thêm ca tử vong. Lo ngại nhất là phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi sẽ dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
Theo đó, một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, các nhân viên y tế cần chú ý đến các đặc điểm của bệnh sởi để xét nghiệm chẩn đoán và cách ly, điều trị kịp thời, tránh bỏ sót và phát hiện muộn, từ đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sau đại dịch Covid-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam số ca mắc sởi cũng tăng cao. Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân gia tăng dịch sởi do chu kỳ dịch đồng thời do tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.
Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh, thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Sởi không chỉ “tấn công” trẻ em
Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi gia tăng là do tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2022 - 2023, khiến nhiều trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi, tạo ra lỗ hổng trong hàng rào miễn dịch.
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.
Theo đó, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca mắc sởi là người lớn với những biến chứng nguy hiểm.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên. Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng cảm thụ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm.
Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và có ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.
Thực tế, bệnh sởi chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Đặc điểm ban sởi là không ngứa, dạng dát sẩn, hơi nổi gờ, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, kết thành đám tròn 3-6 mm. Xen kẽ giữa các mảng ban sởi có các mảng da lành. Ban kéo dài khoảng 6 ngày. Khi ban nổi khắp toàn thân, bệnh vào giai đoạn hồi phục, bắt đầu giảm sốt và dần hết ban tuần tự giống khi mọc. Lúc này nếu không có biến chứng, bệnh tự khỏi. Nốt ban nhạt dần, chuyển sang màu xám, bong vảy phấn, có thể để lại vết thâm.
Ngoài các triệu chứng sốt cao, ho khan, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, bệnh sởi còn nổi ban trên da. Đây là dấu hiệu bệnh rất đặc trưng, nhưng chỉ xuất hiện từ giai đoạn bệnh toàn phát và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh có ban da khác như rubella, phát ban mùa xuân, tay chân miệng, sốt mò...
Khi hết giai đoạn khởi phát, sau khi sốt cao 3-4 ngày, bệnh vào giai đoạn toàn phát, bắt đầu phát ban, còn gọi là mọc sởi. Ban thường xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu nổi từ sau tai, gáy lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai ban mọc đến tay, bụng, đùi. Ngày thứ ba ban mọc đến hai chi dưới, lòng bàn chân.
Để ngăn chặn dịch lây lan, ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cần khẩn trương tiêm bù nhanh nhất có thể. Khi được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng sởi, trẻ có khả năng miễn dịch đến 99%. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tiếp tục duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các mũi vaccine sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine chứa thành phần sởi.
Bệnh sởi cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván... có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi - quai bị - rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
Thanh Mai