Mổ đẻ thành công ca mang song thai bằng IVF ở tuổi 52
Với sự phát triển của y học hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật IVF đã giúp rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi có cơ hội thực hiện ước mơ làm mẹ. Đây là một tiến bộ lớn và ngày càng nhiều trường hợp phụ nữ trên 50 tuổi, thậm chí trên 60 trên thế giới làm IVF thành công.
Tối ngày 19/5, BSCK II. Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm Khoa Phụ sản, Bệnh viện 354 cho biết, các bác sĩ Khoa Phụ sản đã theo dõi và thực hiện ca mổ đẻ thành công cho một sản phụ sản phụ 52 tuổi mang thai đôi bằng IVF.
Sản phụ Đ.T.L.Hương được các bác sĩ theo dõi rất chặt chẽ trong quá trình sinh nở.
Sản phụ là Đ.T.L.Hương, 52 tuổi, ở Hà Nội, trước đó đã làm IVF ở một bệnh viện khác và chuyển 02 phôi, hình ảnh siêu âm có 03 nhân xơ tử cung 2-4cm. Quá trình mang thai, sản phụ được điều trị giữ thai, khâu vòng cổ tử cung, xét nghiệm quản lý thai chặt chẽ giữ được thai đến 37 tuần 01 ngày.
Ngày 19/5, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai thành công với 02 bé gái đều nặng 2.800g và bóc u xơ, thắt động mạch tử cung cầm máu, giữ được tử cung. Hiện tại sức khỏe của cả mẹ và hai em bé ổn định.
Hai em bé chào đời an toàn.
Mặc dù quá trình quản lý thai và can thiệp phẫu thuật thành công là rất đáng mừng nhưng các bác sĩ lưu ý, đây là một trường hợp đặc biệt và không nên khuyến khích cho tất cả phụ nữ trên 50 tuổi mang thai, nhất là mang thai đôi vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe cả mẹ và thai nhi.
Phụ nữ lớn tuổi mang thai phải đối mặt với nguy hiểm gì?
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm Khoa Phụ sản, Bệnh viện 354, sản phụ mang thai ở tuổi trên 50 đối mặt với nguy cơ rất cao cho cả mẹ và em bé.
Đối với người mẹ: Khi mang thai ở tuổi này, sức khỏe tổng thể và sức đề kháng của người mẹ kém hơn nên sẽ mệt mỏi nhiều hơn và dễ gặp các biến chứng như huyết áp cao, tiền sản giật, nhau tiền đạo, đái tháo đường thai kỳ, dọa đẻ non, đẻ non...
Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi thường có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch... Những bệnh lý này có thể trở nên trầm trọng hơn trong thai kỳ, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Đối với thai nhi: Trẻ sinh ra từ những người mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao mắc dị tật. Thai nhi có thể không phát triển tốt trong môi trường tử cung của người mẹ lớn tuổi dẫn đến sinh non và nhẹ cân, thai lưu, hội chứng truyền máu song thai…
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng và cùng một bánh nhau. Đây là một cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời nếu không rất dễ xảy ra các tai biến như: Đẻ non, tình trạng thiếu oxy, thiếu máu gây thiếu máu mạn tính và suy bánh rau dẫn tới tử vong thai nhi, thai còn sống có khả năng bị di chứng tổn thương hệ thần kinh, nhiễm trùng ối…
Sức khỏe sản phụ và hai em bé ổn định. Ảnh BVCC
BS. Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, dù y học và trình độ chuyên môn bác sĩ có những tiến bộ vượt bậc nhưng tuổi tác vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh nở an toàn của người phụ nữ. Việc mang thai ở độ tuổi cao đòi hỏi sự theo dõi sát sao, can thiệp y tế phức tạp và tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường.
Do đó, BS. Nguyễn Thị Minh Phương khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai khi tuổi cao, đặc biệt mang song thai càng nguy hiểm. Nếu thực hiện IVF thì nên chuyển 01 phôi, đồng thời phải theo dõi quản lý thai chặt chẽ tại cơ sở y tế chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để đảm an toàn cho cả mẹ và con.
Hà Giang