Bệnh nhi được chăm sóc tích cực tại bệnh viện.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ năm 2024 đến hết 3 tháng đầu năm 2025 đã có tổng 3.799 xét nghiệm sởi dương tính (xét nghiệm bằng phương pháp PCR và IGM). Trong đó, có 2.690 ca bệnh phải nhập viện điều trị.
Đặc biệt có đến hơn 55% số trẻ mắc sởi không tiêm chủng vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi. Trên lâm sàng, có nhiều ca chỉ biểu hiện sốt, tiêu chảy, không có phát ban, vì vậy, việc chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời và tránh lây nhiễm là rất quan trọng.
Trước diễn biến các ca mắc bệnh sởi có xu hướng tăng nhanh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhanh chóng báo cáo, cập nhật các ca bệnh sởi đến Bộ Y tế và các cơ sở y tế liên quan. Đồng thời, bệnh viện xây dựng kế hoạch ứng phó với tình hình ca bệnh gia tăng, ban hành văn bản thống nhất chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện trong toàn bệnh viện.
Có đến hơn 55% số trẻ mắc sởi không tiêm chủng vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã tổ chức sàng lọc, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu, sau đó phân luồng và bố trí khu vực khám, xét nghiệm xác định căn nguyên dành riêng cho trẻ nghi ngờ/mắc sởi.
Bệnh viện Nhi Trung ương dành riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới làm nơi điều trị, cách ly các trường hợp mắc sởi, nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.
Bệnh viện tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng ngừa chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định.
Bệnh nhi được bảo đảm mỗi trẻ một giường bệnh, không phải nằm ghép. Nhân viên y tế tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn bề mặt trong bệnh phòng.
Các trường hợp mắc sởi trong bệnh viện được cập nhật lên hệ thống; các đối tượng phơi nhiễm cũng được theo dõi và quản lý để đề phòng chuyển từ phơi nhiễm thành mắc sởi.
Dựa trên việc tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, giúp mang lại hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị, đồng thời phát hiện sớm biến chứng và các dấu hiệu chuyển nặng, can thiệp y tế và hỗ trợ điều trị kịp thời (IVIG, lọc máu, ECMO, thở máy…).
Hạn chế thấp nhất lây nhiễm sởi trong bệnh viện.
Bệnh viện hướng dẫn gia đình bệnh nhi theo dõi, điều trị tại nhà trong những trường hợp bệnh nhẹ; chuyển tuyến dưới điều trị với những trường hợp bệnh nhi có biến chứng nhẹ, bệnh nền ổn định hoặc đã được điều trị ổn định bệnh sởi. Bệnh viện cũng tăng cường giám sát, phản hồi và phối hợp, hỗ trợ giữa cơ sở y tế các tuyến; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị lâm sàng tích cực phối hợp với khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện rà soát, chỉ định tiêm chủng vaccine sởi cho bệnh nhi nội trú từ 6 tháng tuổi trở lên và đủ điều kiện tiêm chủng. Phòng khám, tư vấn tiêm chủng Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn, tiêm vaccine sởi đơn hoặc vaccine MMR cho cả trẻ em và người lớn.
Việt Nam hiện có nhiều loại vaccine phòng sởi gồm: mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi-rubella (MRVAC), loại phối hợp 3 trong 1 sởi-quai bị-rubella Priorix (Bỉ); loại phối hợp sởi-quai bị-rubella MMR II (Mỹ). Các vaccine được cung cấp trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng (miễn phí) và dịch vụ.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
Trong tình hình dịch sởi bùng phát như hiện nay, vaccine sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Mũi này được tính là mũi “chống dịch” (mũi sởi 0). Sau đó trẻ vẫn tuân thủ theo đúng lịch thường quy là 2 mũi vaccine có thành phần sởi lúc 9 tháng tuổi và sau 12 tháng tuổi. Tiêm đầy đủ vắc xin có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo các gia đình giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, tập thói quen rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Gia đình, nhà trường cần giúp trẻ nâng cao thể trạng thông qua chế độ dinh dưỡng đa dạng và vận động hợp lý. Đồ dùng cá nhân, đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ cần thường xuyên khử trùng bằng các chất sát khuẩn thông thường.
TRẦN LAM