Bệnh viện, trường đại học không dám nhận tự chủ vì lo vay vốn và trả lãi suất ngân hàng

Bệnh viện, trường đại học không dám nhận tự chủ vì lo vay vốn và trả lãi suất ngân hàng
6 giờ trướcBài gốc
Đầu tư cho y tế, giáo dục còn hạn chế
Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước. ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, việc đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao dường như chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn mờ nhạt. “Chúng ta nói nhiều các bệnh viện trường đại học phải thực hiện cơ chế tự chủ nhưng chỉ thúc ép các trường này tự chủ, tuy nhiên không đầu tư về cơ sở vật chất”-ông Cường bình luận.
Ông Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Dẫn chứng vừa qua lên công tác tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đến thăm Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện sản nhi tỉnh Phú Thọ, ông Cường cho biết, khi đến cổng bệnh viện ngạc nhiên không nghĩ là bệnh viện vì đẹp như khách sạn 5 sao. Bước vào bên trong đi tham quan các khu khám bệnh, chăm sóc, vui chơi thấy khang trang như bệnh viện quốc tế hạng sang. Bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn, người bệnh có được điều kiện chăm sóc khám chữa bệnh là may mắn hơn rất nhiều các bệnh nhân ở bệnh viện ngay trung ương tại Hà Nội.
Nhưng theo ông Cường, điều trăn trở của lãnh đạo bệnh viện không phải về kỹ thuật vì có những khâu kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không so được với Từ Dũ nhưng không thua kém các bệnh viện đầu ngành Trung ương mà điều lo lắng nhất là làm thế nào để trả lãi suất 11% vốn vay để đầu tư xây dựng cơ sở đó. Nếu chỉ tính khấu hao và chi thường xuyên, bệnh viện không lo giá thành và dịch vụ y tế nhưng cộng thêm trả vốn vay và lãi ngân hàng thì chi phí dịch vụ đội lên rất cao, bệnh nhân không thể chịu được. Đây là điều vô lý khi người bệnh đi khám chữa bệnh không chỉ trả dịch vụ về y tế mà trả cả lãi suất ngân hàng.
Ông Cường nói: Do đó các bệnh viện lớn ở Trung ương không dám nhận tự chủ vì nếu tự chủ thì chi phí dịch vụ lại cộng thêm các khoản chi không đúng. Tương tự điều này cũng xảy ra đối với các Trường đại học tự chủ. Nếu trường được đầu tư cơ sỏ vật chất kỹ thuật đầy đủ có điều kiện khang trang như Trường kinh tế quốc dân các cháu sinh hoạt rất tiện nghi nhưng chi phí cho học phí hệ đại trà không cao hơn các trường khác. Nhưng đối với các trường phải đi vay tiền để xây dựng và trả lãi suất ngân hàng thì chắc chắn trong chi phí đào tạo sẽ lên cao. Đây là nguyên nhân các Trường đại học tự chủ có chi phí học phí cao vì phải “gánh” cả vấn đề chi phí đầu tư cộng với trả lãi suất cho ngân hàng. Nếu cứ để các trường, các bệnh viện tự lo, tự xoay sở tự trả không khác gì chúng ta thực hiện cơ chế thị trường chứ không còn định hướng XHCN.
Từ đó ông Cường đề nghị, cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ, phải tự tính khấu hao để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chịu chi trả phí dịch vụ cao.
“Chúng ta nên học hỏi, tham khảo bài học của Trung Quốc. Các Trường đại học ở Trung Quốc vươn rất nhanh trở thành những Trường đại học top đầu trong thời gian ngắn như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã vươn lên top các Trường đại học hàng đầu thế giới trong thời gian ngắn là do từ năm 1998 Trung Quốc đã thực hiện mỗi năm các trường đại học này được đầu tư 1,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6000 tỷ đồng). Do đó các trường này vươn lên rất nhanh vào top đầu thế giới. Nếu chúng ta tập trung 5-10 năm dành 5-10% đầu tư phát triển cho y tế, giáo dục thì sau đó có được hệ thống giáo dục, các bệnh viện khang trang hiện đại, lúc đó người được hưởng lợi thực sự là người dân, người học”-ông Cường nói.
Ông Lê Quân phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Từ kinh nghiệm của Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và các Đại học hàng đầu ở Trung Quốc, ĐB Lê Quân (Đoàn Hà Nội), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục. Theo đó, cần sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng giúp Đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học. “Các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách sẽ phải chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của đại học. Vì vậy, nếu phát triển được nguồn lực thì sẽ giảm được gánh nặng học phí và chi ngân sách”-ông Quân kiến nghị.
Trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân
Dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, ĐB Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ.
Ông Triệu Quang Huy phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Theo ông Huy, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế, một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung.
Từ đó, ông Huy kiến nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó. Người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt.
Ông Trần Hoàng Ngân phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu.
Ông Ngân cũng đề nghị tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước, xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.
Quang Vinh, Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/benh-vien-truong-dai-hoc-khong-dam-nhan-tu-chu-vi-lo-vay-von-va-tra-lai-suat-ngan-hang-10293800.html